|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người kỹ sư điện với những “sáng kiến nhỏ, hiệu quả cao”

Với những “Sáng kiến nhỏ, hiệu quả cao”, kỹ sư điện Nguyễn Trọng Đức đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.

Gần 18 năm công tác tại Truyền tải điện Đông Bắc 1, Công ty Truyền tải điện 1 thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia, kỹ sư Nguyễn Trọng Đức đã có nhiều sáng kiến mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao năng suất lao động, cải tạo điều kiện lao động đảm bảo an toàn cho người lao động, an toàn trong công tác vận hành hệ thống lưới truyền tải điện cũng như trong công tác sửa chữa thi công, được Công ty Truyền tải điện 1, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tặng nhiều bằng khen.

Vượt qua khó khăn thách thức

Gặp người kỹ sư nổi danh là “cây sáng kiến” của Truyền tải điện Đông Bắc 1 vào những ngày giữa tháng 7 năm 2022 tại vùng mỏ Quảng Ninh khi mà cơn bão số 1 vừa đi qua. Chia sẻ với phóng viên anh Nguyễn Trọng Đức cho biết: Mặc dù bão không trực tiếp vào Quảng Ninh nhưng toàn bộ quân số cán bộ, công nhân vận hành tại các trạm và đường dây của Truyền tải điện Đông Bắc 1 đều ứng trực và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.

Sinh năm 1978, quê ở Lâm Thao, Phú Thọ, anh Nguyễn Trọng Đức sinh ra trong một gia đình có ba anh em, bố mẹ là công nhân đã nghỉ hưu. Vợ anh làm giáo viên cấp 3, chị bị mắc bệnh K đã phải phẫu thuật nhiều lần, thăm khám thường xuyên rất tốn kém. Anh chị phải tích cóp để vừa chữa bệnh, vừa nuôi dạy con cái, vừa phụng dưỡng, giúp đỡ bố mẹ tuổi cao sức yếu, vừa hỗ trợ cậu em trai út bị tật nguyền từ nhỏ.

Gia cảnh khó khăn là vậy, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm và khát vọng vươn lên, ngay sau khi tốt nghiệp đại học Công nghiệp Thái Nguyên năm 2001, anh Nguyễn Trọng Đức đã trúng tuyển chức danh kỹ sư thí nghiệm điện tại Công ty điện lực Hải Phòng. Vì yêu nghề Truyền tải, đến năm 2005 anh thi tuyển sang Công ty Truyền tải điện 1 và được phân công làm công nhân sửa chữa tại trạm Biến áp 220kV Tràng Bạch thuộc Truyền tải điện Đông Bắc 1.

Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng phấn đấu, vươn lên trong lao động, sáng tạo, trải qua nhiều vị trí, chức danh trong công việc, ban đầu từ công nhân sửa chữa, sau đó anh thi đỗ chức danh trực phụ, trực chính, rồi được đơn vị bổ nhiệm làm kỹ thuật viên rồi làm Trạm phó phụ trách Trạm 220kV Tràng Bạch. Từ năm 2018 anh được bổ nhiệm làm trưởng phòng kỹ thuật.

Anh đã từng nhiều lần tâm sự với đồng nghiệp “Càng khó khăn càng cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm với công việc. Hãy làm thật tốt những việc nhỏ nhất và phải luôn biết sửa mình. Mỗi ngày là một bài học để sửa sai, làm đúng và làm tốt mọi công việc được giao”.

Sáng kiến nhỏ, hiệu quả cao

Với truyền thống phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong lao động và sản xuất, trung bình mỗi năm Truyền tải điện Đông Bắc 1 có từ 4-5 sáng kiến được Công ty Truyền tải điện 1, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia ghi nhận.

Kỹ sư Nguyễn Trọng Đức cho biết, các sáng kiến đều bắt nguồn từ các ý tưởng của người lao động, trong quá trình vận hành, quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng các trạm biến áp, đường dây có những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp. Từ đó anh cùng anh em kỹ thuật và công nhân vận hành có những ý tưởng làm sao để cải tiến phương thức vận hành cải tiến công nghệ hiện có để đảm bảo vận hành thuận lợi, an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí. Sáng kiến cải tiến còn làm cho người lao động cảm thấy yêu thích hơn công việc đang làm……

Người kỹ sư điện với những “sáng kiến nhỏ, hiệu quả cao”
Kỹ sư Nguyễn Trọng Đức ( người đội mũ trắng) đang giám sát công tác thi công khoan giếng tiếp địa cải tạo hệ thống nối đất cột VT 50 Đường dây 220kV Quảng Ninh - Hoành Bồ

“Nghe sáng kiến thì rất là to tát, nhưng đơn giản đứng từ người lao động chỉ muốn làm sao tiện ích cho người vận hành, người công nhân. Đơn cử như vừa qua, chúng tôi có sáng kiến làm cái thang ra dây để ra kiểm tra các sứ composite đường dây 220kV, 500kV. Với khối lượng mà Truyền tải điện Đông Bắc 1 đang quản lý 38 ĐZ trong đó có 12 ĐZ sử dụng sứ composite. Trong khi đó, tiêu chuẩn của sứ composite là trong quá trình sửa chữa đường dây không được trèo và dẫm lên sứ, xuất phát từ thực tế đó anh đã cùng đồng nghiệp nghĩ ra cái thang để thực hiện việc ra sứ composite thuận tiện mà vẫn đảm bảo công tác sửa chữa vận hành theo đúng quy định mà không làm ảnh hưởng đến sứ”, kỹ sư Đức chia sẻ.

Một trong những sáng kiến nổi bật của kỹ sư Nguyễn Trọng Đức đó là “Hệ thống loa cảnh báo” tại các TBA 220 kV không người trực. Thông qua cải tạo các mạch liên động, lắp bổ sung thiết bị ở các TBA rồi cảnh báo đối với người vận hành khi mà các thiết bị tại các TBA làm việc không ổn định hoặc có sự cố lúc người vận hành không có mặt tại phòng điều khiển. Sáng kiến này không những đảm bảo các thông tin bất thường của thiết bị cảnh báo đến người vận hành ở mọi nơi trong khu vực trạm và đồng thời còn mang lại hiệu quả kinh tế, năng suất lao động rất cao.

“Đối với các TBA 220 kV không người trực, do mỗi ca trực chỉ có 01 người trực và thường xuyên phải đi ra kiểm tra thiết bị trong trạm biến áp, nên khi có tín hiệu cảnh báo thiết bị làm việc không ổn định hoặc sự cố, âm thanh chỉ có nội bộ ở trong phòng điều khiển, do đó khi đi kiểm tra thiết bị ngoài trời mà vô tình sự cố xảy ra thì người công nhân vận hành sẽ không nhận được cảnh báo bất thường để phân tích xử lý kịp thời nguy cơ dẫn đến sự cố. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó chúng tôi đã nghiên cứu cải tạo lắp đặt hệ thống khuếch đại âm thanh đến các khu vực trong TBA để khi người công nhân đi đâu ở xung quanh khu vực trạm thì đều có thể nắm bắt được tín hiệu để xử lý kịp thời ngăn ngừa sự cố có thể xảy ra”, anh Đức chia sẻ.

Người kỹ sư điện với những “sáng kiến nhỏ, hiệu quả cao”
Kỹ sư Nguyễn Trọng Đức - Người có nhiều sáng kiến nhỏ mang lại hiệu quả lớn cho ngành điện

Cũng theo anh Đức thì chỉ mất 07 ngày để anh bắt tay vào nghiên cứu, cải tạo thêm mạch, mua sắm thêm các thiết bị khuếch đại âm thanh, phân chia các tín hiệu nó chọn lọc hơn để báo cho người vận hành tín hiệu này là tín hiệu nguy hiểm, tín hiệu này không nguy hiểm, để có thể xử lý kịp thời.

“Trước đây mỗi trạm biến áp phải có 02 người trực trong đó 01 người đi kiểm tra thiết bị, 01 người trực trong nhà vận hành, việc áp dụng có thiết bị cảnh báo này góp phần giảm bớt chi phí nhân công và góp phần tăng năng suất lao động cho Công ty”, anh Đức cho biết.

Sáng kiến trên của kỹ sư Nguyễn Trọng Đức cùng đồng nghiệp đã được đưa vào khai thác từ tháng 10/2019 tại TBA 220 Hải Hà, hiện nay đã được áp dụng tại 43 TBA 220 kV không người trực của Công ty truyền tải điện 1 tại khu vực phía Bắc. Theo tính toán, chi phí đầu tư vào khoảng 12-15 triệu cho 01 bộ khuếch đại âm thanh dùng cho 01 TBA.

Phấn đấu đi lên từ một thợ giỏi ngành điện, là một đảng viên gương mẫu, nói đi đôi với làm, kỹ sư Nguyễn Trọng Đức luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất trong đơn vị và cấp ủy Đảng, cố gắng mang hết sức lực và trí tuệ để giải quyết công việc hiệu quả, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu đề ra. Trong suốt thời gian công tác đó, người cán bộ, đảng viên Nguyễn Trọng Đức luôn nêu cao “Tính trách nhiệm” là một trong năm giá trị cốt lõi của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia làm động lực cho khát vọng vươn lên của mình.
Thu Hường
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết