|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghệ An: Gỡ “nút thắt” giải tỏa công suất nhà máy thuỷ điện

Ngày 18/01/2022 tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TWĐTN) đã tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2026.

Để thống nhất phương án đầu tư xây dựng lưới điện 110kV giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An và thỏa thuận sơ bộ vị trí trạm biến áp 500kV Quỳnh Lưu, chiều 18/1, UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị thành viên cùng với đại diện các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn. Từ đó, bàn bạc thống nhất phương án đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ nhằm giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Nghệ An, hiện tỉnh này có 17 nhà máy thủy điện với tổng công suất 312,9 MW. Dự kiến hết năm 2022 có thêm 3 nhà máy thủy điện vận hành với công suất đặt 76 MW. Giai đoạn 2023-2025, có thêm 1 nhà máy với tổng công suất 6MW. Các nhà máy thủy điện khu vực Nghệ An tập trung chính ở phía Tây tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong, Quỳ Châu.

Nghệ An: Gỡ “nút thắt” giải tỏa công suất nhà máy thuỷ điện
Nhà máy thuỷ điện Bản Ang ở huyện Tương Dương Nghệ An

Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, hiện nay tuyến đường dây 110kV từ Trạm biến áp 220kV Đô Lương - Tương Dương - Kỳ Sơn từ cuối năm 2018 đến nay liên tục bị quá tải nên các nhà máy thuỷ điện bị cắt giảm công suất đến 50%, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho nhà đầu tư và lãng phí lớn đến nguồn tài nguyên nước; ảnh hưởng đến việc cung cấp, truyền tải điện cho các huyện miền núi miền Tây.

Hệ thống lưới điện 110kV Đô Lương - Hòa Bình truyền tải công suất 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất các nhà máy trong khu vực là 171,9 MW (trong đó có Nhà máy thủy điện Suối Choang 4MW hiện chưa đưa vào vận hành). Đường dây 110kV Đô Lương - Hòa Bình nhiều đoạn tuyến chỉ có tiết diện AC185, công suất mang tải cao nhất 90 - 95 MW nên chỉ truyền tải được 55% công suất đặt tối đa của các nhà máy phát lên lưới.

Do quá tải, từ cuối năm 2018 đến nay, các nhà máy bị cắt giảm công suất phát từ 30% đến 50%, đặc biệt là trong mùa mưa, công suất cắt giảm đến gần 50% (hằng năm sản lượng điện bị cắt giảm trung bình hơn 100 triệu kWh, gây thiệt hại về doanh thu cho các chủ đầu tư khoảng hơn 100 tỷ đồng và giảm các loại thuế, phí nộp cho nhà nước khoảng 20 tỷ đồng). Tháng 12/2020, để giải quyết tạm thời vấn đề này, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã có văn bản gửi cho các chủ đầu tư phân chia lại khung giờ phát cao điểm nhưng giải pháp này chỉ có tác dụng trong mùa khô vào các thời điểm ít nước.

Trước thực trạng này, tỉnh Nghệ An đề nghị ngành điện quan tâm, xem xét đầu tư 40km từ trạm 220KV Tương Dương - 110kV Hòa Bình để đáp ứng phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Tây của tỉnh và truyền tải công suất phát các nhà máy thủy điện trên khu vực.

Đối với tuyến đường dây 110kV Truông Bành - Săng Lẻ, hiện tại đường dây đang vận hành đảm bảo hết truyền tải hết công suất phát điện các nhà máy điện trong khu vực, không có quá tải trên tuyến đường dây và đảm bảo cung cấp điện. Để đảm bảo cấp điện khu vực Quỳ Châu, Quế Phong và đảm bảo hiệu quả kết nối tuyến đường dây 110kV Quỳ Hợp - Tương Dương sau khi TBA 220kV Tương Dương vận hành, đề nghị ngành điện quan tâm sớm đầu tư trạm cắt 110kV Quỳ Hợp trong năm 2022 và đầu tư TBA 220kV Quỳ Hợp sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.

Nghệ An: Gỡ “nút thắt” giải tỏa công suất nhà máy thuỷ điện

Ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN - phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Nghệ An chiều 18/1

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, đối với các dự án truyền tải 220 - 500kV, hiện EVN đang khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng các dự án đường dây trên, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trong tháng 2/2022. EVN cũng đề nghị Sở Công Thương Nghệ An tiếp tục phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để đề xuất, triển khai các dự án lưới điện 110kV.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nghệ An - cho rằng, việc giải tỏa công suất của các nhà máy thủy điện, chúng ta phải thực hiện theo đúng hợp đồng và quy định tại Thông tư 32 năm 2014 của Bộ Công Thương.

Đối với tuyến đường dây 110kV Con Cuông - Tương Dương - Kỳ Sơn và tuyến Truông Bành - Săng Lẻ có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh. Do đó, tỉnh mong muốn nhận được quan tâm tạo điều kiện đầu tư trong thời gian tới.

Liên quan đến thỏa thuận sơ bộ vị trí trạm biến áp 500Kv Quỳnh Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao cho Sở Công Thương và huyện Quỳnh Lưu khảo sát, tham mưu cho tỉnh để sớm thực hiện đề xuất của EVN về xây dựng vị trí đặt trạm biến áp.

"Tỉnh Nghệ An sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, cắm mốc, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình mà ngành điện đầu tư xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh", ông Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh.

Hoàng Trinh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết