Ngành điện miền Nam: Đưa vào vận hành nhiều công trình điện phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh
Từ đầu năm đến nay, ngành điện miền Nam đưa vào vận hành 18 công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam.
Đảm bảo cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh
Dự báo, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam sẽ bắt đầu tăng cao trở lại do các hoạt động kinh tế xã hội phục hồi, phát triển sau dịch. Do đó, ngành điện xác định việc đầu tư xây dựng lưới điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Trạm biến áp 110kV Suối Tre, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: EVNSPC |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết: Từ đầu năm đến nay, Tổng công ty đã khởi công 25 công trình lưới điện ở cấp điện áp 110kV, đóng điện và đưa vào vận hành 18 công trình điện.
Tất cả các công trình này đều nhằm mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như các hoạt động văn hóa chính trị khác trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Đơn cử, Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa đóng điện thành công hai công trình trọng điểm cung cấp điện cho các tỉnh thành phía Nam trong tháng 8/2024, đó là công trình Trạm biến áp 110kV Phong Điền và Đường dây đấu nối, khởi công ngày 15/12/2023 tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Công trình có quy mô 2 máy biến áp dung lượng 2 x 40 MVA và giai đoạn đầu lắp 1 máy biến áp 40MVA cùng đường dây đấu nối là 85m, tổng mức đầu tư gần 83 tỷ đồng, bằng nguồn vốn vay tín dụng thương mại và vốn đối ứng từ nguồn vốn tự có của EVNSPC. Công trình hoàn thành đưa vào vận hành đầu tháng 8/2024.
Tiếp đó, cuối tháng 8/2024, công trình Trạm 110kV Định Bình và Nhánh rẽ trạm 110kV Định Bình, được xây dựng tại ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP. Cà Mau đã đóng điện đưa vào vận hành. Công trình đi vào hoạt động và liên kết lưới điện 22kV với Trạm biến áp 110kV Cà Mau hiện hữu, qua đó hỗ trợ công suất, nâng cao độ tin cậy trong cấp điện cho TP. Cà Mau và khu vực lân cận. Đồng thời cải thiện chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện phân phối khu vực TP. Cà Mau; cũng như giảm bán kính cấp điện 22kV khu vực TP. Cà Mau do phải nhận điện từ trạm biến áp 110kV Cà Mau, góp phần giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải.
“Mới đây, Tổng công ty vừa đóng điện thêm 1 công trình lắp máy biến áp thứ 2 T1-40MVA trạm 110kV An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nâng tổng số công trình 110kV được đóng điện từ đầu năm đến nay là 18 công trình” - Tổng công ty Điện lực miền Nam thông tin.
Trạm biến áp 110kV Ascendas - Bình Dương. Ảnh: EVNSPC |
Đặc biệt để giảm phụ tải, bảo đảm điện cho sản xuất các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương, một số công trình trọng điểm cũng được đóng điện vận hành trong 9 tháng năm 2024 như: Trạm biến áp 110kV Khánh Vân và đường dây đấu nối được xây dựng tại khu phố Khánh Vân, phường Khánh Bình, TP. Tân Uyên; công trình Trạm biến áp 110kV Ascendas và đường dây 110kV An Tây - Ascendas tại Khu công nghiệp Quốc tế Bình Dương Reverside, tại thị xã Bến Cát; công trình Trạm biến áp 110kV Mỹ Phước 4 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4, TP. Bến Cát.
Ngoài ra, Điện lực miền Nam cũng đã đóng điện công trình Trạm biến áp 110kV Thanh Tân và đường dây đấu nối tại ấp Chợ Xếp, huyện Mỏ Cày Bắc, đây một công trình được chọn là trọng điểm trong năm 2024 của tỉnh Bến Tre; công trình Trạm biến áp 110kV khu công nghiệp Thuận Đạo và đường dây đấu nối, nhằm tăng cường khả năng cung cấp điện cho khu vực huyện Cần Đước, tỉnh Long An và vùng lân cận.
Tương tự, công trình Trạm biến áp 110kV Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long có tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, đã đóng điện vận hành trong tháng 4/2024 được chọn là một trong hai công trình gắn biển chào mừng 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam và 70 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024).
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng
Việc đóng điện và đưa vào vận hành các công trình trên đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng, trong việc bảo đảm nguồn điện thông suốt, an toàn đề phòng các sự cố điện liên quan. Đồng thời bảo đảm cung ứng điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phía Nam.
Trạm biến áp 110kV Bình Tân - tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: EVNSPC |
Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án công trình điện, đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn của chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam, bởi khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thi công các dự án điện này đều nằm ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, để khắc phục các khó khăn trên, ngành điện đã chủ động đăng ký làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc về di dời lưới điện thi công đường cao tốc đi qua địa bàn các tỉnh như tại An Giang, Sóc Trăng hay TP. Cần Thơ.
Đơn cử, ngày 24/9 vừa qua, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam đã có buổi làm việc, báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 4 công trình đầu tư xây dựng lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh do Tổng công ty làm chủ đầu tư, gồm: Dự án Phân pha dây dẫn đường dây 110kV từ 177 Bình Long 2 đến 175 Mỹ Phước, có tổng mức đầu tư hơn 74 tỷ đồng; dự án Lộ ra 110kV từ trạm 220kV Chơn Thành (4 mạch) có tổng mức đầu tư 115 tỷ đồng; dự án Trạm biến áp 110kV Hoa Lư có tổng mức đầu tư 62,55 tỷ đồng và dự án Trạm biến áp 110kV Tân Hưng và đường dây 110kV nhánh rẽ đấu nối, có với tổng mức đầu tư gần 158 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Mi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại thủ tục hồ sơ để hỗ trợ Tổng công ty Điện lực miền Nam để tháo gỡ các vướng mắc, tiếp tục triển khai các công trình trên địa bàn. Ảnh: EVNSPC |
Đến thời điểm này, các dự án trên cơ bản hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư; dự án đã phê duyệt hồ sơ đo vẽ địa chính, hoàn tất công tác bàn giao mốc cho địa phương, có dự án đã được phê duyệt và đang triển khai chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, các dự án này còn gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng, đặc biệt là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Để đảm bảo đúng tiến độ của công trình, Tổng công ty đã kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh Bình Phước có hướng dẫn thống nhất chính sách bồi thường, hỗ trợ đất, cây trồng trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện đối với các công trình lưới điện 110kV đang triển khai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các thửa đất do các công ty cao su quản lý.
Cùng với đó, có hướng dẫn mới về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15/7/2024 của Chính phủ để hướng dẫn chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng theo quy định mới.
“Đối với nhóm các công trình phấn đấu đóng điện năm 2024 phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đời sống sinh hoạt của người dân, ngành điện cũng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi để nhà đầu tư sớm triển khai thi công dự án”, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam cho hay.
Xác định, các công trình điện, nhất là những công trình sắp hoàn thành có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, sản xuất công nghiệp trên địa bàn, ông Trần Văn Mi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát lại thủ tục hồ sơ, hỗ trợ Tổng công ty Điện lực miền Nam đảm bảo các dự án sắp tới sớm được triển khai, trên tinh thần đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn, ổn định.