|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành điện cần gần 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho cấp điện nông thôn

Hiện ngành điện đang thiếu hơn 20 nghìn tỷ đồng trong tổng số vốn gần 30 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

Đây là thông tin trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến kỳ họp thứ 4 về lĩnh vực Công Thương trong đó có lĩnh vực điện.

Cần gần 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho cấp điện nông thôn

Nội dung báo cáo cho biết, Bộ Công Thương đã hoàn thành quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bảo đảm cân đối nguồn cung -cầu năng lượng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình thủy điện.

Ngành điện cần gần 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho cấp điện nông thôn
Bộ Công Thương đã hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ảnh: Thu Hường

Cụ thể, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư công “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025” tại Tờ trình số 3462/TTr-BCT ngày 15/6/2021 với mục tiêu đến năm 2025 hầu hết các hộ được sử dụng điện với nhu cầu vốn khoảng 29.799 tỷ đồng, thực hiện mục tiêu cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo khoảng 911.400 hộ dân của 14.676 thôn bản trên địa bàn 3.099 xã của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cấp điện 2.478 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ thuộc 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; Thổ Châu, An Sơn- Nam Du (tỉnh Kiên Giang); Côn Đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tại thông báo kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn đã được cân đối khoảng xấp xỉ 8,9 nghìn tỷ đồng và vốn chưa cân đối được khoảng 20,883 nghìn tỷ đồng.

Hiện Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất Chính phủ phê duyệt chương trình có sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng, vốn vay ODA ưu đãi của các tổ chức quốc tế và huy động từ các nguồn lực xã hội khác để bổ sung nguồn lực cho chương trình.

Liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện, hiện Bộ Công Thương đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các đập, hồ chứa thủy điện để hỗ trợ quản lý vận hành an toàn hồ chứa thủy điện, phục vụ việc quản lý giám sát an toàn đập.

Hiện cơ sở dữ liệu đã được vận hành ổn định với 550 hồ chứa thủy điện đang vận hành phát điện cập nhật thường xuyên lên trang web http://thuydienvietnam.vn cùng với đó là Sổ tay Thông số các công trình thủy điện Việt Nam cũng đã được xây dựng nhằm cung cấp thông tin các công trình thủy điện đang vận hành, hỗ trợ các nhà quản lý, các chuyên gia kỹ thuật chủ động trong công tác quản lý điều hành, vận hành công trình đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Loại ra khỏi quy hoạch các dự án điện kém hiệu quả

Đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện đã được thực hiện nghiêm túc, theo đúng các quy định của pháp luật.

Từ năm 2021 đến nay, Đoàn Công tác của Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh trên cả nước có dự án thủy điện và các cơ quan liên quan của tỉnh kiểm tra tình hình thi công tại một số dự án thủy điện và làm việc về các hoạt động đầu tư, xây dựng, vận hành đối với các dự án/ công trình thủy điện trên địa bàn các tỉnh để kịp thời có các giải pháp xử lý.

Ngành điện cần gần 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho cấp điện nông thôn
Bộ Công Thương đã kiểm tra công tác an toàn hồ chứa thủy điện. Ảnh Duy Phong

Qua kiểm tra, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 486 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Đây là các dự án chiếm nhiều diện tích đất, ảnh hưởng lớn đến môi trường- xã hội hoặc hiệu quả kinh tế thấp.

Liên quan đến công tác vận hành hồ chứa, năm 2022, Bộ Công Thương đã thực hiện thanh tra 2 doanh nghiệp vận hành hồ chứa thủy điện về thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Năm 2023, Bộ Công Thương dự kiến thanh tra 2 doanh nghiệp, kiểm tra 2 doanh nghiệp về nội dung này.

Nhìn chung, các đập, hồ chứa thủy điện được Bộ Công Thương tổ chức, kiểm tra đánh giá an toàn đều đang được quản lý, vận hành an toàn, ổn định tại thời điểm tra trước mùa mưa lũ.

Đảm bảo cân đối cung – cầu thị trường và nguồn cung điện

Đối với giá điện, việc điều hành giá điện tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Trong các năm từ cuối năm 2020 đến hết năm 2022, giá điện đã được Chính phủ, Bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nỗ lực giữ ổn định. Đặc biệt trong gia đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã hướng dẫn EVN thực hiện 05 đợt ỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện nhằm chia sẻ với các khó khăn của doanh nghiệp và người dân, chung tay cùng các bộ, ngành đề ra các cơ chế chính sách nhằm từng bước khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp và người dân.

Trong giai đoạn từ cuối quý I /2022, giá nhiên liệu tăng cao đã làm cho chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân bằng tài chính của EVN. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình, không giật cục, giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 được EVN điều chỉnh tăng 3% từ ngày 4/5/2023.

Đây là mức điều chỉnh tăng thấp nhất theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg nhằm giảm thiểu tác động đến nền kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Ngành điện cần gần 30 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho cấp điện nông thôn
Công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tiếp tục được đẩy mạnh nhằm thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện. Ảnh: Ngọc Lan

Báo cáo cũng nêu ra các giải pháp nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trong thời gian vừa qua. Cụ thể, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc công tác tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện đến năm 2025 và các năm tiếp theo.

Chỉ đạo các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện có các tổ máy đang bị sự cố dài ngày, khẩn trương khắc phục để sẵn sàng phục vụ phát điện; chỉ đạo Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng để duy trì vận hành ổn định lưới truyền tải điện trên phạm vi toàn quốc.

Trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn, lưới điện đang triển khai để kịp thời đưa vào vận hành nhằm đảm bảo cung ứng điện.

 

 

Thu Hường
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết