|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 43]: Kế hoạch cơ bản cho xã hội không carbon

Chính phủ Nhật Bản vừa tổ chức “Hội nghị triển khai Chuyển đổi xanh (GX)” tại Văn phòng Thủ tướng để quyết định các chiến lược khử carbon. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Kishida, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nishimura và Chủ tịch Keidanren Tokura cùng các thành viên khác.

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 43]: Kế hoạch cơ bản cho xã hội không carbon | Tạp  chí Năng lượng Việt Nam

Để hiện thực hóa một xã hội không carbon vào năm 2050 và cung cấp nguồn năng lượng ổn định, tại hội nghị đã tóm tắt các chính sách thực hiện cho tương lai như tối đa hóa việc sử dụng điện hạt nhân và áp dụng định giá carbon, theo đó các công ty chịu chi phí theo lượng carbon thải ra.

Ngoài ra, để đối phó với cuộc xung đột Nga - Ukraine, kế hoạch chính sách cơ bản của Chính phủ Nhật Bản đã được phê duyệt nhằm đạt được mục tiêu đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định và hiện thực hóa một xã hội không carbon.

Trong đó bao gồm cả những vấn đề liên quan đến sản xuất điện hạt nhân, như cho phép vận hành lâu dài các nhà máy điện hạt nhân vượt quá giới hạn vận hành trên thực tế là 60 năm và nghiên cứu phát triển, xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ tiếp theo - điều mà chưa từng được cân nhắc cho đến nay.

Sau sự cố hạt nhân 11 năm trước, định hướng chính sách năng lượng hạt nhân của Chính phủ Nhật Bản sẽ thay đổi đáng kể.

Trong chính sách cơ bản này, ngoài việc thúc đẩy khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân hiện có với ưu tiên cao nhất về an toàn, thì thời gian mà các nhà máy điện hạt nhân đã bị đình chỉ do kiểm tra của Cơ quan pháp quy hạt nhân sẽ được xem xét, loại trừ trong thời gian vận hành tối đa 60 năm theo quy định của pháp luật để được phép gia hạn thêm thời gian vận hành thực tế đạt trên 60 năm.

Ngoài ra, sau sự cố hạt nhân cho đến mùa hè năm 2022, Chính phủ Nhật Bản đã nhiều lần giải thích rằng, họ “chưa có kế hoạch” cho việc xây dựng, mở rộng, hoặc xây dựng lại các nhà máy điện hạt nhân, thì nay đã thực hiện “trước hết cụ thể hóa kế hoạch xây dựng lại các nhà máy điện hạt nhân đã quyết định tháo dỡ”.

Người ta cho rằng, đây là kế hoạch “nhằm sử dụng điện hạt nhân một cách bền vững trong tương lai”.

Mặt khác, trong “Kế hoạch Năng lượng cơ bản” được Chính phủ Nhật Bản quyết định sau sự cố hạt nhân đã chỉ ra hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân càng nhiều càng tốt trong tương lai.

Về điều này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: “Mục tiêu tăng tỷ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu cung cấp điện vào năm 2030 lên khoảng 20 đến 22% không thay đổi, nếu so với tỷ lệ điện hạt nhân chiếm 30% trước khi sự cố hạt nhân xảy ra thì mức phụ thuộc đã giảm. Do đó, kế hoạch cơ bản lần này không mẫu thuẫn với Kế hoạch Năng lượng cơ bản đã có.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng vọt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, đến tháng 8/2022, trong vòng 1 năm đơn giá điện trung bình đã tăng khoảng 20% ​​đối với các hộ gia đình và khoảng 40% đối với các ngành công nghiệp sản xuất.

Với kế hoạch hiện tại, ngoài 10 lò phản ứng đã khởi động lại, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu khởi động lại 7 lò phản ứng đã được chấp thuận sau kiểm tra của Cơ quan pháp quy hạt nhân trong mùa hè năm 2023. Nếu 17 lò phản ứng này được tái khởi động, thì ước tính khoảng 1,6 nghìn tỷ yên sẽ được tiết kiệm từ chi phí nhập khẩu LNG.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, ông Ogasawara chỉ ra rằng: Nếu giá nhiên liệu vẫn tiếp tăng cao trong thời gian tới và chúng ta cho tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân thì sẽ có hiệu quả trong việc kìm hãm đà tăng giá điện.

Ông cũng nói thêm: “Châu Âu đang nhanh chóng cố gắng chuyển từ nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng nên khả năng cao là giá sẽ tiếp tục tăng. Nếu khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân thì chúng ta có thể tiết giảm chi phí mua nhiên liệu và việc kinh doanh của các công ty điện lực sẽ dễ thở hơn, dẫn tới kìm hãm được sự tăng giá điện”.

Thủ tướng Kishida đã nói: “Để cụ thể hóa kế hoạch cơ bản này, cần trình dự luật thực hiện chuyển đổi xanh (GX) vào phiên họp Quốc hội thường kỳ tới và tiến hành ngay việc lấy ý kiến rộng rãi”, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan có liên quan hợp tác, chuẩn bị cho việc này.

Trên hết, ông nói: “Để đẩy nhanh các chính sách ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng mà chúng ta đang đối mặt, cần phải tập trung tạo niềm tin của người dân và cộng đồng địa phương. Từ quan điểm này và để hoàn thành toàn bộ chu trình xử lý chất thải phóng xạ hoạt độ cao, Chính phủ sẽ cùng tham gia để giải quyết các vấn đề trong chu trình xử lý (Backend), chẳng hạn như mở rộng hội nghị cấp bộ liên quan đến các vấn đề trong chu trình xử lý chất thải phóng xạ”.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết