|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 39]: Sửa luật để kéo dài ‘tuổi thọ’ điện hạt nhân

 - Tại cuộc chất vấn ở Hạ viện ngày 7/10 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida một lần nữa thể hiện mong muốn thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc sử dụng điện hạt nhân.

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 39]: Sửa luật để kéo dài 'tuổi thọ' điện hạt nhân |  Tạp chí Năng lượng Việt Nam


Vào tháng 8/2022, chính quyền của ông Kishida đã yêu cầu Chính phủ xem xét việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, hoặc tái thiết, nhằm thay đổi chính sách hiện tại của Chính phủ. Đồng thời, xem xét kéo dài thời gian vận hành (hiện đang quy định 40 năm sẽ lên đến 60 năm).

Về thời gian vận hành của các nhà máy điện hạt nhân, vào ngày 5/10, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cũng đã trao đổi tại cuộc họp của Cơ quan Pháp quy Hạt nhân (NRA) rằng, họ đang xem xét lại thời gian vận hành để sử dụng tối đa các nhà máy điện hạt nhân hiện có và đang xem xét việc soạn thảo luật mới.

Liên quan đến vấn đề này, vào ngày 7/10, Bộ trưởng METI, ông Nishimura cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các: “Tại thời điểm này, chưa có chính sách cụ thể nào được quyết định, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các nhà chuyên môn để có được kết luận cụ thể vào cuối năm nay”. Ông cũng bày tỏ sẽ dựa trên các cuộc thảo luận của hội đồng quốc gia để đưa ra quyết định về thời gian vận hành và các sửa đổi luật cần thiết.

Kể từ sau trận động đất ở phía Đông Nhật Bản năm 2011 tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Công ty Điện lực Tokyo, việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân không có tiến triển nào.

Trong nước Nhật Bản, vào mùa Đông và Hè vừa qua tình trạng căng thẳng cung cầu điện vẫn lặp đi lặp lại. Trong tháng 1 và tháng 2 năm sau, biên dự phòng sẽ khoảng 4% tại các khu vực do Công ty Điện lực Tokyo và Công ty Điện lực Tohoku quản lý. Con số này chỉ cao hơn một chút so với biên độ dự trữ tối thiểu cung cấp điện an toàn là 3%. Nếu nhu cầu tăng mạnh do nhiệt độ giảm bất ngờ, hoặc nếu nhà máy điện gặp sự cố, sẽ có nguy cơ mất điện trên diện rộng.

Cung cấp điện hiện nay đang trong tình trạng đi thăng bằng trên dây. Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhiên liệu để sản xuất nhiệt điện đã tăng vọt sau khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra. Giá điện liên tục tăng, gây thêm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình.

Cần nhiều thời gian phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng, hoặc tái thiết các nhà máy điện hạt nhân. Một bộ phận của Đảng Dân chủ Tự do và METI cho rằng: Cần phải kéo dài thời gian hoạt động để tối đa hóa việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân hiện có nhằm cung cấp nguồn điện ổn định.

Sau sự cố hạt nhân, Đạo luật Quy chế Lò phản ứng Hạt nhân đã được sửa đổi và thời hạn hoạt động về nguyên tắc là 40 năm. Có quy định ngoại lệ cho phép gia hạn tối đa 20 năm nếu NRA chấp thuận. METI đang xem xét kế hoạch sửa đổi toàn bộ Luật Kinh doanh điện, thuộc thẩm quyền của mình, bên cạnh Luật Quy định về Lò phản ứng. Với ý tưởng là có thể kéo dài thời gian vận hành dựa trên quan điểm cung cấp năng lượng ổn định và không phát thải carbon.

Đây là lúc phù hợp để thảo luận về kéo dài thời gian vận hành trong bối cảnh tình hình năng lượng căng thẳng.

Vào ngày 26/9 vừa qua, ông Shinsuke Yamanaka - Chủ tịch Cơ quan Pháp quy Hạt nhân, trong cuộc họp báo nhậm chức đã cho biết: “Tôi biết rằng, về mặt chính sách thì vấn đề về thời gian vận hành đang được thảo luận. Tôi muốn nghe trực tiếp ý kiến này và đã có ý kiến với METI để trao đổi trực tiếp về việc kéo dài thời gian vận hành”. Việc NRA, vốn là cơ quan coi trọng tính độc lập, đã yêu cầu METI giải thích là điều bất thường trong giai đoạn mới bắt đầu xem xét các chính sách về thời hạn sử dụng.

Ngoài ra, chủ tịch NRA Shinsuke Yamanaka cho biết trong một cuộc họp báo (ngày 5/10): “Thời gian vận hành sẽ được phía sử dụng chính sách xem xét chứ không phải NRA đưa ra ý kiến”, và ông cũng chấp thuận kế hoạch của METI.

Ông Yamanaka nói: “Tôi nghĩ rằng (quy định về thời gian vận hành nhà máy điện hạt nhân) sẽ bị loại bỏ khỏi Luật Quy định Lò phản ứng. Không biết thời gian vận hành sẽ được quy định thế nào, nhưng tôi muốn tạo ra hệ thống quy định chặt chẽ cho các lò phản ứng đã vận hành lâu năm”./.

(Đón đọc kỳ tới...)

NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết