|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số kết quả nổi bật trong công tác phân loại rác thải tại nguồn tại Gò Công Tây, Tiền Giang

Trong những năm qua, công tác BVMT trên địa bàn huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, coi trọng. Huyện ủy, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam huyện đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, đồng thời triển khai đồng bộ các hoạt động thiết thực, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, hướng đến xây dựng một miền quê đáng sống.

Nhiều công trình, phần việc cụ thể

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, UBND huyện Gò Công Tây đã xây dựng Phương án giao Ban Quản lý công trình công cộng huyện thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện. Ban Quản lý công trình công cộng huyện thu gom rác thải ở các hộ dân sống hai bên trục lộ lớn bằng xe vận chuyển. Để đảm bảo thu gom rác ở các khu dân cư mag xe lấy rác không thể vào được, 100% xã, thị trấn đã xây dựng phương án thành lập 66 tổ thu gom rác để thu gom rác thải trong khu dân cư tại 100% địa bàn các ấp rồi vận chuyển ra các điểm tập kết để Ban Quản lý công trình công cộng huyện vận chuyển về bãi rác tập trung để xử lý.

Bên cạnh đó, UBND, UBMTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng Kế hoạch liên tịch số 102/KH-UBND-MTTQ ngày 7/6/2022, về việc phối hợp thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Gò Công Tây giai đoạn 2022 - 2025. Theo Kế hoạch này, lượng rác thải thực phẩm sau khi phân loại được người dân ủ thành phân bón hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc; rác thải tái chế được bán cho các vựa thu mua phế liệu, lượng rác thải vô cơ không tái chế còn lại cần thu gom xử lý rất ít. Số hộ tham gia ký hợp đồng thu gom rác toàn huyện là 33.629 hộ/36.520, tỷ lệ trên 92%. Tiếp đó, ngày 22/6/2022, UBND huyện ban hành Công văn số 1284/UBND-TNMT về việc thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn huyện Gò Công Tây giai đoạn 2022 - 2025. Đến nay, các tổ chức chính trị, xã hội và ngành chức năng đã chủ động phối hợp, thống nhất triển khai hành động triển khai chương trình phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải theo lịch của huyện đề ra.

Giai đoạn 2022 - 2025 là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc BVMT, hướng tới mục tiêu cao nhất để cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Chính vì thế, việc phân loại rác thải tại nguồn có vai trò rất quan trọng, nhằm góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường, từ đó giảm bớt gánh nặng cho công tác thu gom, xử lý rác thải, góp phần giảm tối đa tình trạng quá tải tại các bãi rác. Phát triển kinh tế gắn liền với BVMT sống, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong tham gia các hoạt động BVMT là thông điệp mà chính quyền địa phương gửi đến toàn thể nhân dân huyện nhà. Được sống, làm việc trong bầu không khí trong lành, mỗi cá nhân phải luôn tự giác có ý thức tham gia BVMT bằng những hành động nhỏ thiết thực như: Tuyệt đối không xả rác bừa bãi ra môi trường, không bỏ bừa bãi vỏ thuốc trừ sâu ra kênh rạch, ruộng đồng, tại gia đình hãy là người có ý thức phân loại rác trong sinh hoạt hằng ngày, nơi cơ quan công sở hãy là người cán bộ, nhân viên có ý thức tham gia cùng động nghiệp phân loại rác thải.

Một số kết quả nổi bật trong công tác phân loại rác thải tại nguồn tại Gò Công Tây, Tiền Giang

Kể từ ngày 2/10/2022, Ban Quản lý công trình công cộng huyện Gò Công Tây đã bắt đầu thu gom rác thải của toàn huyện sau khi phân loại theo lịch thu gom mới. Theo đó từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần sẽ thu gom rác hữu cơ phân hủy được đối với cơ quan, hộ gia đình không có nơi xử lý ủ rác; ngày Chủ nhật sẽ tiến hành thu gom rác vô cơ độc hại. Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối năm 2022, 100% xã, thị trấn Vĩnh Bình của huyện đã ký cam kết thực hiện phân loại rác thải tại nhà; được hướng dẫn đào hố ủ rác hữu cơ phân hủy với các hộ có điều kiện đất rộng… người dân bước đầu đã hiểu, ý thức và cùng bắt tay thực hiện phân loại rác thải, đó cũng là nét văn minh hiện đại trong sinh hoạt hàng ngày, vừa góp phần BVMT trong lành hơn, giảm bớt ô nhiễm.

Những con số biết nói

Theo Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch liên tịch số 102/KH-UBND-MTTQ ngày 7/6/2022 về việc phối hợp thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn trên địa bàn huyện Gò Công Tây giai đoạn 2022 - 2025 giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch, huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi, nâng cao ý thức tự giác thực hiện phân loại rác thải tại nguồn của đa số người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học trong toàn huyện. UBND, UBMTTQ Việt Nam và các ngành, đoàn thể của các xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền, vận động, tổ chức đăng ký tới từng hộ gia đình, đồng thời phân công cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách để tham gia vận động và tổ chức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần phấn đấu hoàn thành Tiêu chí môi trường trong tiến trình xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, số hộ dân ký cam kết thực hiện đúng quy trình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình trên địa bàn huyện là 34.762/34.892 hộ, đạt tỷ lệ 99,63%; số hộ dân đã thực hiện phân loại rác thải là 32.356/34.762 hộ, đạt tỷ lệ 93,08%; số hộ dân có đất để xử lý hữu cơ trên địa bàn huyện là 28.410/34.892 hộ, chiếm 81,42%. Việc ký kết hợp đồng thu gom rác thải cũng được triển khai đồng loạt tại các xã, thị trấn trong huyện, các tuyến đường xóm, ấp, đường khu dân cư đều có xe lấy rác, tạo thuận lợi cho người dân trong công tác thu gom rác. Toàn huyện hiện có 28.156 hộ dân đăng ký thu gom rác, đạt 80,69%, khối lượng thu gom trung bình 1 ngày khoảng 40,5 tấn rác sinh hoạt. UBND huyện chỉ đạo Tổ kiểm tra thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch số 102/KH-UBND-MTTQ. Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng huyện đã tổ chức kiểm tra trực tiếp tại UBND cấp xã, kiểm tra tại hộ dân, các tuyến đường, các điểm tập kết.

Theo đánh giá chung của Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 102/KH-UBND-MTTQ, việc triển phân loại rác thải tại nguồn đã được huyện khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, giúp người dân hình thành thói quen xử lý rác tại nguồn, bỏ rác đúng ngày, đúng loại, đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi ra đường, nhất là người dân tự giác tận dụng nguồn lợi từ các loại rác hữu cơ ủ thành phân bón hữu cơ trồng cây, tận dụng rác phế liệu tái chế bán phế liệu. Công tác phối hợp với các ngành liên quan và Ban Quản lý công trình công cộng trong thu gom, vận chuyển rác thải dần đi vào nề nếp. Từ đó, đưa công tác quản lý môi trường và quản lý việc thu phí rác ngày càng đi vào nền nếp, nắm được thực tế tình hình thu gom, xử lý rác thải của người dân trong xã, hàng tháng có giải pháp chấn chỉnh, kiện toàn kịp thời.

Trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen, tự giác thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo Kế hoạch số 102/KH-UBND-MTTQ của huyện đã đề ra. Đối với UBND các xã, thị trấn, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về thu gom, phân loại và xử lý rác thải; công tác tuyên truyền phải đi vào thực chất, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu bằng nhiều hình thức; tiếp tục vận động người dân thay đổi thói quen, thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn theo đúng Kế hoạch số 102/KH-UBND-MTTQ; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt của hộ dân trên địa bàn quản lý; tiến hành lập biên bản vi phạm đối với những hộ chưa thực hiện phân loại; thường xuyên kiểm tra việc thu gom rác thải của đơn vị thu gom, tổ thu gom; kiểm tra các điểm tập kết rác trên địa bàn quản lý tránh trường hợp rác rơi vãi ra đường. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ dân đóng phí thu gom rác thải; thông báo lịch thu gom đến từng ấp, khu phố trên địa bàn quản lý biết để thực hiện theo đúng lịch; phối hợp khảo sát và đôn đốc BQL.CTCC thực hiện thu gom có hiệu quả hơn; xác định hộ thu gom rác hữu cơ bằng chấm đỏ; tổ chức rà soát, thống kê đầy đủ các tuyến đường trên địa bàn quản lý; tiếp tục vận động hộ dân nằm trong sâu đem rác ra ngoài cho xe thu gom.

Đối với Ban Quản lý công trình công cộng, không thu gom rác đối với hộ dân chưa thực hiện phân loại và không thu gom rác hữu cơ đối với hộ dân đã đăng ký xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, nhưng lại đem rác ra ngoài (báo về UBND xã để làm việc với hộ dân); tổ chức thu gom đúng theo lịch đã thông báo, thu gom hết các tuyến đường trên địa bàn, hạn chế để rác ở các điểm tập kết quá 24 giờ.

Có thể nói việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn là công việc không thể thực hiện ngay mà đòi hỏi mọi người dân, cơ quan, đơn vị phải kiên trì thực hiện dài lâu, thường xuyên, tạo thành thói quen mới. Việc triển khai, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn tại huyện Gò Công Tây trong thời gian tới sẽ gắn liền với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, qua đó phát hiện, nêu gương, biểu dương để chính quyền địa phương khen thưởng kịp thời những mô hình hay, cách làm sáng tạo, những cá nhân thực hiện tốt tạo cho phong trào ngày có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết