Lấy ý kiến về dự thảo Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen
Để có đầy đủ cơ sở hoàn thiện Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị đối với nội dung dự thảo Chiến lược này.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1694/QĐ-BCT ngày 4/7/2023 phê duyệt Đề cương Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo, Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đề ra định hướng phát triển chuỗi giá trị năng lượng hydrogen bao gồm sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng năng lượng hydrogen trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, thời kỳ 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất hydrogen xanh với quy mô lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời)
Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen sẽ định hướng phát triển cho toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng hydrogen bao gồm:
Sản xuất năng lượng hydrogen: phát triển sản xuất các nguồn năng lượng hydrogen từ nguyên liệu hóa thạch kết hợp với lưu trữ carbon (CCS/CCUS) để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước (than, dầu khí). Đẩy mạnh phát triển sản xuất hydrogen xanh với quy mô lớn từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời) khi công nghệ phát triển và chi phí sản xuất cạnh tranh được với công nghệ sản xuất hydrogen từ nguyên liệu hóa thạch.
Sử dụng năng lượng hydrogen: xem xét ưu tiên sử dụng hydrogen cho các lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn, khó điện hóa như giao thông vận tải đường dài (đường bộ, đường biển và hàng không), sản xuất thép, phân bón, xi măng. Nhu cầu sử dụng hydrogen và dẫn xuất (ammoniac) cho phát điện để thực hiện chủ trương chuyển đổi nhiên liệu trong ngành điện sẽ được xem xét, đánh giá chi tiết với lộ trình áp dụng phù hợp.
Vận chuyển, tồn trữ và phân phối hydrogen: đẩy mạnh phát triển hạ tầng tồn trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen đồng bộ với lộ trình sản xuất và sử dụng hydrogen. Xem xét khả năng tậng dụng cơ sở hạ tầng hiện hữu của ngành dầu khí, hóa chất để tồn trữ, vận chuyển hydrogen. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy phát triển hạ tầng cho lĩnh vực hydrogen.
Cẩm Hạnh