|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãi suất huy động duy trì đà tăng, gửi tiền ngân hàng “lên ngôi”

Lãi suất huy động của các ngân hàng đang ngày một cạnh tranh khi liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua. Mức tăng trưởng tiền gửi của cư dân trong 3 tháng đầu năm 2022 đã lớn hơn mức tăng trưởng đạt được trong cả năm 2021 (chỉ khoảng 158.000 tỷ

Hút dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại

Tính riêng trong tháng 5/2022, đã có ngân hàng tăng lãi suất đến 2 lần. Động thái này của các ngân hàng phần nào đã hút dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại.

Trong tuần cuối tháng 5, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), từng là ngân hàng có mức lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống, đã điều chỉnh tăng lãi suất tại nhiều kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất dành cho tiền gửi tại quầy của Techcombank tăng 0,3%/năm lên mức 6,3%/năm với khách hàng ưu tiên khi gửi tiền kỳ hạn 36 tháng. Đối với tiền gửi online, lãi suất cao nhất cùng kỳ hạn cũng lên tới 6,5%/năm.

Với khách hàng thường, Techcombank áp dụng mức lãi suất cao nhất từ 5,85-5,95%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,45%/năm so với trước nếu gửi tại quầy. Còn gửi tiền online, lãi suất kỳ hạn 36 tháng là 6,3%/năm.

Lãi suất huy động duy trì đà tăng, gửi tiền ngân hàng “lên ngôi” - Ảnh 1

Tính riêng trong tháng 5/2022, đã có ngân hàng tăng lãi suất đến 2 lần. Động thái này của các ngân hàng phần nào đã hút dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại. (Ảnh minh họa)

Không riêng Techcombank, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã thông báo tăng lãi suất huy động thêm 0,3%/năm với nhiều kỳ hạn. Theo đó, với tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng của VPBank tăng từ 6,1%/năm lên mức 6,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng, tăng từ 6%/năm lên 6,3%/năm; kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,2%/năm…

Đặc biệt, đây là lần điều chỉnh tăng lãi suất thứ 2 của ngân hàng này kể từ đầu tháng 5 đến nay. Tại lần tăng trước đó, có kỳ hạn được điều chỉnh tăng tới 0,8%/năm.

Là một trong những ngân hàng tăng lãi suất huy động gần đây, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) đã điều chỉnh lãi suất một số kỳ hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân tăng tới 0,4%/năm so với mức cũ. Sau điều chỉnh, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp của Kienlongbank có thể nhận mức lãi suất tối đa lần lượt lên đến 6,75%/năm và 6,4%/năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trước đó thông báo tặng đến 1,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm. Hiện lãi suất cao nhất áp dụng tại SHB là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm.

Ngoại trừ nhóm "big 4" gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể trong nhiều tháng qua với mức tăng dao động từ 0,1-0,4%/năm. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất huy động hiện đã tăng khoảng từ 0,5-1%/năm.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, lãi suất huy động và cho vay trong năm 2022 chịu nhiều áp lực từ các yếu tố cả trong và ngoài nước. Đây là lý do lãi suất huy động đã liên tục nhích tăng trong nhiều tháng qua.

Theo vị lãnh đạo này, dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay trong ngắn hạn cơ bản vẫn sẽ được giữ ổn định ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Trong dài hạn, lãi suất cho vay có thể sẽ biến động phù hợp với cung cầu của nền kinh tế.

Lãi suất huy động sẽ tăng dần trong cả năm 2022?

Lãi suất huy động duy trì đà tăng, gửi tiền ngân hàng “lên ngôi” - Ảnh 2

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Cùng với đó, Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, trong hơn 2 năm qua, lãi suất huy động đã liên tục giảm sâu để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch bệnh. Do đó, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất huy động là không còn. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng trưởng rất mạnh. Nếu các ngân hàng không tăng lãi suất huy động thì thanh khoản sẽ rất căng và không thể đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Thịnh nhận định: "Việc tăng lãi suất huy động là điều tất yếu để hút dòng tiền từ các kênh đầu tư trở lại ngân hàng và dự báo thời gian tới lãi suất này sẽ vẫn tiếp tục tăng. Nhưng tôi kỳ vọng mức tăng sẽ không quá lớn, dao động từ 0,5-1%/năm".

Thực tế, tiền gửi vào ngân hàng đã ghi nhận dấu hiệu tăng trở lại trong vài tháng gần đây. Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 3/2022, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.

Lãi suất huy động duy trì đà tăng, gửi tiền ngân hàng “lên ngôi” - Ảnh 3

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV.

Dự báo về xu hướng lãi suất, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho biết lãi suất huy động sẽ tăng dần trong cả năm 2022 do các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... vẫn khá hấp dẫn. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì mức thấp như hiện nay và có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022.

Mới đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ra nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhằm góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi kinh tế. Trong đó, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang được đặc biệt quan tâm. Khách hàng vay vốn sẽ được giảm lãi suất trực tiếp từ kỳ trả lãi ngày 20/5/2022 đến cuối năm 2023 hoặc đến khi gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hết hạn mức.

Nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh tăng mạnh nhưng nhiều ngân hàng đã gần cạn room tín dụng. Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm nay. Việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất có thể sẽ khiến nhu cầu tín dụng tăng hơn trong thời gian tới, khối lượng tín dụng cần cung ứng thêm cho nền kinh tế theo đó sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, việc tăng dư nợ tín dụng cần phải đảm bảo chỉ tiêu lạm phát, ổn định vĩ mô.

Phó Thống đốc khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, tính toán làm sao cho lượng tín dụng bổ sung vào nền kinh tế một cách phù hợp nhất, vừa đáp ứng yêu cầu khôi phục nền kinh tế, vừa để gói hỗ trợ 2% lãi suất có đủ dư địa để triển khai nhanh và hiệu quả nhất".

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/5, tổng tín dụng của nền kinh tế đã tăng 7,75% so với cuối năm 2021 và tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Các ngân hàng thương mại nhà nước chưa điều chỉnh biểu lãi suất huy động chủ yếu là do vẫn giữ được lợi thế về nguồn vốn. Trong đó, nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này trong 3 tháng đầu năm tăng khoảng 66.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình miễn phí chuyển khoản kể từ đầu năm 2022 cũng đang phát huy hiệu quả để hút tiền gửi không kỳ hạn về.

Bùi Hằng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin