|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế số - đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh

87% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải đối mặt với những tác động tiêu từ đại dịch Covid. Tuy nhiên, đại dịch Covid lại là “chất men” xúc tác, là đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế…

Ngày 15/10/2021, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ chức Diễn đàn Nâng cao “Nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số - cơ hội khởi nghiệp thành công” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và 21 điểm cầu Hội LHPN các tỉnh/thành trên cả nước.

Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Lan toả tinh thần chuyển đổi số

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, từ hoạt động quản lý điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đến phương thức sống và làm việc của người dân. Đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP là 30%, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%...

Theo báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân Mastercard công bố năm 2021, có đến 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, xếp thứ 9/58 nền kinh tế được nghiên cứu về số lượng phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.

Ông Bùi Huy Hoàng- Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khẳng định doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã và đang đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.

Tại Việt Nam và nhiều quốc gia, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ đang gia tăng về số lượng nhanh hơn so với doanh nghiệp do nam giới làm chủ và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Không đứng ngoài cuộc chuyển đối số quốc gia và chiếm đến 50% trong các hộ kinh doanh và 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang phấn đấu hiện thực hoá các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Để tạo điều kiện cho phụ nữ thời đại kỷ nguyên số, Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp thu hẹp khoảng cách giới, trao quyền cho phụ nữ phục hồi sau đại dịch và trong tương lai.

Bà Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhìn nhận, đại dịch Covid-19 được xem là “chất men” xúc tác cho chị em phụ nữ ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số, là đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bước đầu thành công trong sản xuất kinh doanh, hạt nhân lan toả tinh thần chuyển đổi số, là vaccine góp phần giúp nền kinh tế vượt qua đại dịch, sẵn sàng sống chung với dịch, tự tin bước ra thị trường, không gian số, phát huy bản lĩnh phụ nữ Việt Nam.

Cú huých buộc doanh nghiệp phải thích ứng

Theo ông Bùi Huy Hoàng, chuyển đổi số và thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu. Đặc biệt, đứng trước những khó khăn và thách thức của thời đại 4.0 và diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhìn dưới góc độ tích cực, lại trở thành “cú huých” lớn khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách vận hành để thích ứng và tồn tại với thời cuộc.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)
Ông Bùi Huy Hoàng- Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ tại diễn đàn

Cụ thể, sự phát triển của Internet và các biến động từ dịch bệnh khiến đời sống xã hội có nhiều xáo trộn, hành vi người tiêu dùng cũng dần thay đổi khi khách hàng dần chuyển từ hình thức mua sắm truyền thống qua mua sắm trực tuyến, quản bá truyền thống sáng quảng bá truyền thông đa phương tiện, đa kênh, vận hành và thay đổi mô hình quản lý ứng dụng công nghệ”.

Nhờ “áp lực” từ đại dịch, có 57% doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trực tuyến trong 2020 đạt hiệu quả tốt. Đây là kết quả đáng ghi nhận, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh, hộ tác xã cũng dần thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong kinh doanh và đã nhanh chóng hoà mình vào xu thế.

Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Trần Thị Phương Thảo- Giám đốc Hợp tác xã Thái Minh cho biết, với sản phẩm trà xanh được gắn 4 “sao” tại chương trình OCOP Quốc gia, mang tên “Mỗi xã, phường một sản phẩm” các sản phẩm trà Thái Minh phải vượt qua nhiều lần đánh giá theo các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Quốc gia. Không chỉ phát triển thị trường trong nước, nhờ ứng dụng công nghệ trong quản lý, kinh doanh, Thái Minh có thể mở rộng đối tượng khách hàng và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Hợp tác xã Thái Minh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy suất nguồn gốc, từ khâu sản xuất đến khâu lưu thông để tăng độ tin cậy và uy tín cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, “cần thay đổi tư duy linh hoạt, thích ứng với thay đổi, thích ứng công nghệ số"- Giám đốc Hợp tác xã Thái Minh nhấn mạnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nữ trong bối cảnh chuyển đổi số, ông Bùi Huy Hoàng thông tin thêm, vừa qua Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo về kinh doanh trên thương mại điện tử ở các tỉnh, thành trên cả nước giúp doanh nghiệp, doanh nghiệp nữ làm chủ nhìn nhận được tầm quan trọng của chuyển đổi số, tiếp cận với kiến thức thương mại điện tử.

Mặc dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển nhưng có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam. Do đó, ông Bùi Huy Hoàng cho rằng, cần có những chính sách tạo điều kiện dễ dàng hơn cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ như các khoản vay vốn từ ngân hàng, các sản phẩm phù hợp với đối tượng là nữ doanh nhân; hỗ trợ trong việc xây dựng mạng lưới kinh doanh trực tuyến, tăng cường vai trò của các Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ, bồi dưỡng các kiến thức kinh doanh thương mại điện tử, marketing, quản trị… để nắm sát nhất nhu cầu đào tạo, phát triển cho doanh nghiệp. “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số không thay thế được sản xuất và kinh doanh nhưng là công cụ hữu hiệu để chúng ta thay đổi phương thức, hướng tới mô hình hay phương thức mới để nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh cho doanh nghiệp”, ông Bùi Huy Hoàng bày tỏ.

Cũng tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã dự và trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã dự và trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2021
Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã dự và trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2021

Lan Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết