Kiến nghị về bàn giao lưới điện 500kV do tư nhân đầu tư cho EVN
Bộ Công Thương vừa có văn bản 5388/BCT-ĐL gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam do đơn vị tư nhân đầu tư sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận, quản lý vận hành.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN sau khi nghị định được ban hành, có hiệu lực.
Khi đó, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện bàn giao, tiếp nhận công trình, hồ sơ, cách xác định giá trị công trình bàn giao và các điều kiện khác liên quan đã được quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng.
Theo văn bản của Bộ Công Thương, Bộ đã nhận được văn bản số 4855/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam do đơn vị tư nhân đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành kèm theo các văn bản của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Sau khi nghiên cứu ý kiến các Bộ, Bộ Công Thương nhận thấy các quy định pháp luật hiện hành chưa quy định rõ thẩm quyền và cơ sở pháp lý để hướng dẫn EVN làm việc với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam thực hiện bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân.
Bộ Công Thương đưa ra kiến nghị về việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam do đơn vị tư nhân đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành
Ngày 1/6/2022, Bộ Công Thương có văn bản số 3010/BCT-ĐL báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bàn giao/chuyển giao công trình do đơn vị tư nhân đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN khi nghị định này được ban hành, có hiệu lực. Kiến nghị này của Bộ Công Thương cũng phù hợp với ý kiến các Bộ đã gửi Văn phòng Chính phủ...
Theo ý kiến của Bộ Tư pháp, hiện nay, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN; trong đó có quy định về việc chuyển giao công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách sang EVN. Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định ngày 21/6/2022. Do đó, để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý cho vấn đề này, Bộ Tư pháp nhất trí với kiến nghị của Bộ Công Thương về bàn giao/chuyển giao công trình do đơn vị tư nhân đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành sẽ thực hiện theo quy định của nghị định nêu trên.
Theo ý kiến của Bộ Tài chính, việc bàn giao công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài nhà nước sang EVN có thể được thực hiện theo cơ chế mua, bán giữa các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự; doanh nghiệp có công trình điện thực hiện biếu/tặng/cho EVN theo quy định của pháp luật về dân sự.
Trường hợp bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do đơn vị tư nhân đầu tư sang EVN thực hiện trước khi Nghị định của Chính phủ quy định việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN được ban hành thì việc bàn giao thực hiện theo các quy định pháp luật về dân sự, pháp luật về doanh nghiệp hiện hành. Trường hợp việc bàn giao thực hiện sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực thi hành thì việc bàn giao được thực hiện theo quy định tại nghị định này.
Tiến Đạt