|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Quan điểm "Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" tiếp tục được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5.

Quyết tâm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu

Phát biểu tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5, khai mạc sáng ngày 4/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Việt Nam đã rất chú trọng bảo vệ môi trường, vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Song song với các chỉ tiêu kinh tế, các cấp, ngành đã thực hiện tốt chỉ tiêu về môi trường.

Nền kinh tế đang được tái cấu trúc mạnh mẽ, gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm bảo tồn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhắc lại quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Bên cạnh đó, nhiều dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư; công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học được chú trọng; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh nhằm thu hút công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nguồn lực quan trọng để bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đối khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Để hiện thực hóa cam kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, như phát triển năng lượng tái tạo, phát triển ngành công nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, di dời các nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố, khu đô thị, thu hút dự án đầu tư thân thiện môi trường, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phát thải…

Những điều này cho thấy, Việt Nam đang triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ, trách nhiệm các cam kết tại COP26 trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định lại quan điểm của Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường.

Sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than

Quy hoạch Điện VIII cũng được Phó Thủ tướng nhắc đến tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII hiện đang trong quá trình phê duyệt, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam về thực hiện cam kết tại COP26.

Trong hơn 1 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp để rà soát, hoàn thiện quy hoạch này, nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua rà soát, dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án, và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Nhiều khu công nghiệp đã dành nguồn quỹ đất trồng cây xanh

Không chỉ lĩnh vực năng lượng, Phó Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch và tổ chức quy hoạch cũng rất quan trọng về bảo vệ môi trường, vì các quy hoạch này liên quan đến diện tích cây xanh trong đô thị. Do vậy, các địa phương, các ngành phải chú trọng, dành nhiều quỹ đất cho cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch cũng như theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực môi trường cũng cần được chú trọng, bởi hiện nay tốc độ phát triển khoa học - công nghệ ngày càng cao, yêu cầu ứng dụng khoa học ngày càng nhiều, trong khi nguồn nhân lực có hạn.

Một vấn đề nữa, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương ưu tiên dành nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Đây là vốn "mồi" để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển lĩnh vực này.

Hội nghị toàn quốc về môi trường lần thứ V được nhận định sẽ là tiền đề quan trọng để mỗi người chung tay góp sức thực hiện tốt các hành động cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường.

Để thực hiện cam kết tại COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, do Thủ tướng làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng làm phó ban, thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan.
Thanh Tâm
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết