|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khí đốt là vấn đề quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung có thể bị gián đoạn trên thế giới

CNBC ngày 24/2/2022 đưa ý kiến của nhiều chuyên gia năng lượng Mỹ cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây ra làn sóng chấn động trên các thị trường tài chính và dấy lên lo ngại về các tác động tới nguồn cung khí đốt trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia, các biện pháp trừng phạt đối với dầu và khí đốt của Nga sẽ đồng nghĩa với việc giá năng lượng trên thế giới sẽ tăng cao hơn nữa, đặc biệt là khi Nga đóng vai trò là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới, là một trong những quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Giá khí đốt châu Âu đã tăng vọt, trong khi giá dầu thô Brent giao sau chuẩn quốc tế lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng kể từ năm 2014.

Khí đốt là vấn đề quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung có thể bị gián đoạn trên thế giới

Đường ống dẫn khí đốt của Gazprom PJSC Power of Siberia nối hai mỏ khí đốt Kovyktinskoye và Chayandinskoye, gần Irkutsk, Nga. Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg via Getty Images.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết mặc dù các Chính phủ phương Tây có thể sẽ miễn trừ các giao dịch năng lượng ra khỏi các biện pháp trừng phạt, nhưng cơn bão các biện pháp trừng phạt mới sẽ buộc nhiều nhà đầu tư phải hết sức thận trọng trong việc xử lý các thùng dầu của Nga. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển khí đốt của Ukraine có thể sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia Trung và Đông Âu, đồng thời làm tăng giá khí đốt ở châu Âu.

Mỹ, Canada, Anh, Liên minh châu Âu, Úc và Nhật Bản là một trong những quốc gia công bố làn sóng trừng phạt đầu tiên chống Nga vào đầu tuần này, nhằm vào các ngân hàng và cá nhân giàu có. Một loạt các biện pháp trừng phạt thứ hai đang dự kiến được đưa ra trong thời gian ngắn nữa. Đức đã tạm dừng đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 Nord Stream 2. Trong nhiều tháng qua, Nga đã bị cáo buộc là cố ý làm gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt để tận dụng vai trò là nhà cung cấp năng lượng lớn cho châu Âu trong bối cảnh tranh chấp với Ukraine leo thang. Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc rằng Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí địa chính trị, trong đó Gazprom cho biết họ đã hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng với khách hàng.

Khí đốt là vấn đề quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung có thể bị gián đoạn trên thế giới
Đường ống dẫn khí đốt gần thị trấn nhỏ Boyarka, khu vực Kyiv, Ukraine. Ảnh: AFP.

Hiện nay, các nhà phân tích năng lượng đang lo ngại sâu sắc về nguy cơ gián đoạn nguồn cung toàn bộ cho EU, nơi nhận khoảng 40% khí đốt thông qua các đường ống dẫn khí đốt của Nga, một số trong số đó chạy qua Ukraine. Nếu nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị gián đoạn, rất có thể sẽ gây ra những hậu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng sâu sắc, đặc biệt là nếu kịch bản như vậy xảy ra vào mùa đông và trong bối cảnh đại dịch Covid.

Tác động của việc cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga với châu Âu?

Các nhà phân tích tại Wood Mackenzie cho biết châu Âu có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt ngay từ bây giờ và hiện đang ở vị thế tốt hơn so với thời điểm bắt đầu mùa đông. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn sẽ không chắc chắn như vậy.

Kateryna Filippenko, nhà phân tích chính nghiên cứu khí đốt châu Âu tại Wood Mackenzie, cho biết “mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều” nếu xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu bị gián đoạn. Châu Âu sẽ phải sử dụng mọi đòn bẩy trong hệ thống năng lượng để cung cấp đủ cho phát điện, như giảm sử dụng khí đốt, tái khởi động lại các nhà máy than và nhà máy điện hạt nhân đang để không, tối đa hóa sản xuất khí đốt bản địa và nhập khẩu qua đường ống, tăng cường nhập khẩu LNG.

Tuy nhiên, nếu tất cả nguồn khí đốt của Nga bị cắt, châu Âu sẽ không có cơ hội đối phó. Kateryna Filippenko cho rằng nếu tất cả các dòng khí ngừng hoạt động vào ngày hôm nay, thì châu Âu có thể ổn định trong ngắn hạn, do tồn kho dự trữ cao hơn và nhu cầu mùa hè thấp. Nhưng nếu nguồn cung gián đoạn kéo dài, lượng khí tồn kho sẽ không thể được bù đắp trong suốt mùa hè, khi đó, “chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình huống thảm khốc khi lượng khí đốt gần bằng không cho mùa đông tới. Giá sẽ cao ngất trời. Các ngành công nghiệp sẽ phải đóng cửa. Lạm phát sẽ gia tăng theo chiều xoắn ốc. Cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu rất có thể kích hoạt một cuộc suy thoái toàn cầu.”

Khí đốt là vấn đề quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung có thể bị gián đoạn trên thế giới
Tàu chở LNG của Mỹ. Ảnh: Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA)/Tư liệu.

Phát biểu với CNBC, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại DTN Markets Troy Vincent cho rằng “đơn giản là không có lựa chọn thay thế” cho khối lượng dầu và khí đốt của Nga mà không dẫn đến giá tăng cao hơn nhiều và có khả năng gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng. “Với suy nghĩ này, việc trừng phạt xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu và phần còn lại của thế giới sẽ đồng nghĩa với việc cùng nhau phá hủy tăng trưởng kinh tế và ngân sách của chính phủ.” Vincent cho rằng chỉ có Trung Quốc có khả năng là quốc gia lớn duy nhất trên toàn cầu có thể hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt như vậy, vì Trung Quốc có thể sẽ ngày càng thu hút nhiều hơn các sản lượng dầu khí giảm giá của Nga.

Hôm thứ Tư, chuyên gia phân tích công bằng năng lượng tại CFRA Stewart Glickman cũng dự kiến rằng ​​các lệnh trừng phạt Nga sẽ gây ra "những hậu quả tương đối đáng kể" đối với thị trường năng lượng. Nga là một nhà cung cấp khí đốt tự nhiên khổng lồ cho châu Âu, đồng thời Nga cũng là nhà sản xuất lớn về nhiên liệu hóa thạch, nằm trong số ba nước đứng đầu thế giới về sản lượng dầu thô./.

Thanh Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết