Khách hàng được hưởng nhiều lợi ích từ chuyển đổi số của EVN
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là ưu tiên phát triển của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Năm 2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong công tác thực hiện chuyển đổi số của doanh nghiệp và bước đầu đã thu nhận được các kết quả tích cực. Dưới đây là tổng hợp các kết quả thực hiện chuyển đổi số của EVN trong công tác dịch vụ khách hàng.
Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại. Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi hướng dùng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số là sự chuyển đổi mang tính cách mạng.
Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Nắm bắt được xu hướng này, năm 2021, EVN đã nhanh chóng bắt tay triển khai và thực hiện Đề án “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam” và đã trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất -kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và các đối tác.
Mang lại lợi ích cho khách hàng:
Đặc biệt trong năm 2021, EVN đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng trên các nền tảng số. Tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện và các hồ sơ theo phương thức điện tử đạt 97,89%, tăng 20,32% so với cùng kỳ năm 2020. Các Tổng công ty Điện lực đã tiến hành triển khai các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QRCode, Mobile Money; nâng cấp website và App CSKH, ứng dụng AI trong công tác chăm sóc khách hàng (CSKH)... Trong đó, việc kết nối thanh toán qua ứng dụng Mobile Money tăng thêm tiện ích và thuận lợi cho các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt các khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khi chưa có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán tiền điện theo hình thức không sử dụng tiền mặt.
Tiếp theo, EVN đã ra mắt Hệ sinh thái số EVNCONNECT, trong đó kết nối, hội nhập với các nền tảng số của quốc gia, các nền tảng số của các ngành khác. Ví dụ điển hình là việc các dịch vụ điện lực kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã mang lại sự thuận lợi, đơn giản cho khách hàng, loại bỏ các hồ sơ, giấy tờ cá nhân kèm theo Giấy đề nghị mua điện như giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu và được thay thế bằng các thông tin về số định danh cá nhân của công dân, căn cước công dân, địa chỉ thường trú, nơi ở hiện tại, thông tin chủ hộ, số sổ hộ khẩu… trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. EVN cũng tiên phong trong kết nối hóa đơn điện tử (E-Invoice) và truyền nhận dữ liệu với Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế.
Theo thông báo của EVN, đến hết tháng 7 năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đã đạt đến 90,39%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt 97,15%. Hiện nay, các kênh/phương thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển rất đa dạng như: Ủy nhiệm thu - ủy nhiệm chi, ví điện tử, trích nợ tự động, ATM/Thẻ ngân hàng, Internet Banking, Mobile money, QRCode, thanh toán qua App/website CSKH của các Tổng công ty Điện lực, Cổng Dịch vụ công Quốc gia… EVN và các Tổng công ty Điện lực cũng đã hợp tác với các ngân hàng và đối tác trung gian thu hộ tiền điện, tạo nhiều điểm thu thuận tiện cho khách hàng như các điểm giao dịch của ngân hàng, cửa hàng tiện lợi, các siêu thị, cửa hàng điện thoại, điểm đặt máy ATM…
Bên cạnh đó, EVN cũng mở rộng hợp tác với các đối tác để triển khai chương trình hoàn tiền khi thanh toán tiền điện qua ví điện tử, app/website CSKH, tặng mã giảm giá, quà cho khách hàng khi thanh toán tiền điện trực tuyến…Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt mang lại một số thuận lợi như khách hàng được chủ động về thời gian thanh toán, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với nhiều hình thức, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử…
Khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến và không dùng tiền mặt để thanh toán tiền điện có ưu điểm nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, thời gian và không gian thực hiện linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Theo đánh giá của EVN, công tác chuyển đổi số của các đơn vị trong toàn EVN đã hoàn thành 83% kế hoạch thực hiện công tác CĐS trong 2 năm 2021 - 2022, trong đó có một số lĩnh vực đã hoàn thành với tỷ lệ cao như: Quản trị nội bộ (94,7%), kinh doanh và dịch vụ khách hàng (97%). Hiện nay, toàn bộ các dịch vụ điện được EVN cung cấp trực tuyến đã đạt mức độ 4 - là mức cao nhất của Chính phủ điện tử. Đồng thời, ngành Điện cũng là ngành đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ của ngành lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Với hơn 29 triệu khách hàng sử dụng điện, EVN là doanh nghiệp có môi trường lý tưởng, tiềm năng cho các đối tác có thể phối hợp, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, thu hẹp “khoảng cách số” giữa khu vực thành thị và nông thôn, là tiền đề vững chắc góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM