|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ nhân lực cho nền kinh tế

Do yêu cầu phòng, chống dịch, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm công suất. Bài toán sinh kế cho người lao động để giữ nguồn nhân lực trở thành câu chuyện sống còn đối với từng doanh nghiệp, nhìn rộng hơn là toàn bộ nền kinh tế.

Hơn một năm chống chọi với đại dịch, vận tải là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhất, đặc biệt là vận tải hành khách. Khi hoạt động của xe khách, taxi tạm dừng, lái xe phải tìm những lựa chọn nghề nghiệp khác vì cuộc sống mưu sinh. Theo ước tính của lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đến nay, đội ngũ lái xe của vận tải đường bộ đã bị hao hụt khoảng 50%. Một thực tế đáng trăn trở là lái xe dần trở thành nghề mang tính mùa vụ, nhiều người không còn thiết tha gắn bó khi công việc bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định. Điều đó đặt ra thách thức cho các đơn vị vận tải bởi muốn có lao động lành nghề, bảo đảm các yêu cầu đặc thù cần phải qua đào tạo cũng như tích lũy kinh nghiệm. Nếu mất đi nguồn nhân lực này, ngành vận tải đứng trước nguy cơ tê liệt, đứt gãy.

Giữ nhân lực cho nền kinh tế

 Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát nhanh, bền vững đất nước. Ảnh: Vietnam+

Không ít ngành nghề khác cũng phải đối diện với tình trạng hao hụt nhân lực khi hoạt động bị đình trệ như du lịch, dịch vụ, kể cả các ngành sản xuất như dệt may, chế biến nông sản... Rõ ràng, đây là giai đoạn doanh nghiệp cần đặt vấn đề giữ chân người lao động thành mục tiêu cao nhất. Muốn như vậy, những nguồn lực doanh nghiệp có thể huy động được cần dành ưu tiên để người lao động có thu nhập, đủ để trang trải cuộc sống trước mắt. Một số đơn vị đã thực hiện trả lương theo ngày, kịp thời giúp người lao động có nguồn tiền chi trả cho sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, còn có những hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho người có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng đến phúc lợi, chăm lo cho an sinh của người lao động là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận cơ hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Cũng cần nhận thấy do dịch bệnh kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp "lực bất tòng tâm", muốn trả lương đúng hạn hay trợ giúp người lao động nhưng không còn nguồn lực. Để tiếp sức doanh nghiệp, Nhà nước đã có các gói hỗ trợ, đơn cử như gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, có việc hỗ trợ trực tiếp người lao động bị mất việc, ngừng việc và cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương. Mặc dù thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ này đã được đơn giản hóa, tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp không đủ điều kiện, như vậy người lao động của các đơn vị này cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, cần tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, trong trường hợp họ vẫn có việc làm nhưng thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống thì vẫn có thể nhận được nguồn trợ giúp của Chính phủ và các địa phương.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", mọi sự trợ giúp với người lao động lúc này đều tiếp thêm động lực để họ vững tâm, đặc biệt, tại những địa phương đang giãn cách xã hội cũng là bảo đảm thực hiện nghiêm quy định "ai ở đâu ở yên đó". Giải pháp căn cơ, lâu dài để người lao động có thu nhập, việc làm vẫn là tận dụng tối đa các điều kiện sẵn có, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Sức bật của kinh tế đất nước sau khi đại dịch được kiểm soát phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của các yếu tố, trong đó, nhân lực có vai trò quan trọng hàng đầu. Nguồn nhân lực không chỉ tạo ra của cải, vật chất mà còn là người tiêu thụ, góp phần tạo thành tổng cầu cho nền kinh tế. Từng nhà máy, doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp và mỗi địa phương nếu giữ chân được người lao động sẽ thúc đẩy cung cầu cân bằng, bảo vệ chuỗi sản xuất-cung ứng không bị đứt gãy.


Nguồn:Báo Quân đội nhân dân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết