|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dư địa nào để kiềm chế lạm phát?

Chỉ số lạm phát vẫn được các cơ quan, bộ ngành kiềm chế tương đối tốt. Tuy nhiên việc tăng giá nguyên phụ liệu đang gây áp lực lên việc kiềm chế chỉ số này.

Áp lực lạm phát từ đà tăng nguyên phụ liệu

Chiều 23/5, giá xăng đã được điều chỉnh tăng theo giá bán của thị trường thế giới. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 670 đồng/lít.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 29.630 đồng/lít; RON 95 là 30.650 đồng/lít; dầu diesel 25.550 đồng/lít, dầu hỏa là 24.400 đồng/kg, dầu mazut là 20.590 đồng/kg. Đây cũng là lần tăng thứ 5 liên tiếp.

Việc tăng giá xăng dầu là việc không thể dừng bởi giá xăng dầu trên thế giới tiếp tục tăng cao. Trên thị trường Singapore, đến ngày 19/5, xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5 RON92) ở mức 141,6 USD/thùng, xăng RON95 là 146,74 USD/thùng.

Cùng thời điểm (ngày 11/5) tại kỳ điều hành trước, 2 loại xăng này có giá lần lượt 139,59 USD (chênh nhau hơn 2 USD/thùng) và 142,68 USD/thùng (chênh gần 4 USD/thùng). Trong khi đó dầu diesel cập nhật đến ngày 19.5 là 132,62 USD/thùng, tại kỳ điều hành trước ngày 10/5, dữ liệu cho thấy giá dầu diesel là 147,96 USD/thùng (cao hơn kỳ này khoảng 15 USD/thùng).

Trên thế giới, hợp đồng dầu thô WTI của Mỹ sáng nay (23/5) tăng 0,17% lên 110,47 USD/thùng; dầu Brent tăng 0,3% lên 112,9 USD/thùng.

Dư địa nào để kiềm chế lạm phát?
Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu

Theo tính toán, nếu xăng dầu tăng 10% thì lạm phát sẽ tăng 0,36 điểm % và kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm %. Giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng…, từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế.

Bình quân 4 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu đã tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, tức là chiếm tới 1,76 điểm % trong mức lạm phát bình quân 2,1% của 4 tháng này.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Thực tế, thời gian qua, nhiều mặt hàng đã lợi dụng tình hình xăng dầu tăng giá để tăng giá theo, gây bất ổn đối với tình hình kinh tế xã hội đất nước.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa ở trong nước và tác động tiêu cực đến tăng trưởng nền kinh tế và tác động vào chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Nỗ lực kiềm chế

Đối với giá xăng dầu, có 2 công cụ để điều hành là Quỹ bình ổn giá và thuế, phí. Hiện nay, công cụ quỹ bình ổn đã không còn nhiều, do đó dư địa để giảm giá chỉ còn trông vào thuế, phí. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho hay, hiện Bộ Công Thương đã lên kịch bản tháng, quý để điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu, dự trữ luôn ở mức 20% so với bình thường. Trong các loại thuế tính giá cơ sở để bán lẻ xăng dầu có thuế suất bảo vệ môi trường được giảm 50% từ đầu tháng 4 vừa qua.

Bộ cũng đã đề cập tới việc rà soát lại ngay thuế MFN, tức là mức thuế tối huệ quốc, với kiến nghị để giảm từ 20% xuống 12%. Song mức giảm thế nào cũng phải tính để có thể hài hòa trong quá trình đàm phán với các nước, đồng thời giữ tỷ lệ nguồn thu, khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung, nhưng cũng phải tạo chênh lệch giữa các mức thuế thị trường FTA với các thị trường có mức thuế MFN.

Trong trình bày thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn. Điều này khẳng định quyết tâm kiềm chế lạm phát.

Cũng theo các chuyên gia, nên coi việc giảm thuế hiện nay là một khoản đầu tư của chính phủ cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Bởi đây là việc vô cùng quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Ngoài nguyên phụ liệu, các mặt hàng do nhà nước quản lý được khuyến cáo không điều chỉnh trong thời điểm này để giảm bớt áp lực lên chỉ số lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng 0,18% so với tháng 3 và nhích 2,09% so với tháng 12/2021 đồng thời tăng 2,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng năm 2021. Có tới 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá.
Bảo Ngọc

Tác giả: Bảo Ngọc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết