Điện thừa, nhiều nhà máy sản xuất phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng
Năng lực sản xuất điện thừa, nhu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội và tiêu dùng của người dân giảm nên nhiều nhà máy điện phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng...
Phát biểu tại Đối thoại chuyên đề "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức tối ngày 25/9, TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống của người dân, giảm mức tăng trưởng ở hầu hết các ngành kinh tế và các địa phương.
TS. Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Vỡ kế hoạch mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp
Dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 tác động nặng nề đến dời sống của người dân và phát triển kinh tế. Do tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng của toàn nền kinh tế nước ta (GDP) năm 2020 đạt thấp ở mức 2,91%, mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Tưởng rằng dịch kết thúc trong năm 2020 và năm 2021 trở đi nền kinh tế sẽ phát triển trở lại, nhưng tới thời điểm hiện nay (tháng 9/2021) dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, diễn biến khó lường, tiếp tục tác động nặng nề đến đời sống dân cư và phát triển kinh tế đất nước.
Khu dịch vụ (khu vực chiếm khoảng 38,7% GDP năm 2020) là khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch có mức tăng trưởng năm 2020 thấp nhất, trong đó nhiều ngành thuộc khu vực này sụt giảm tăng trưởng nghiêm trọng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 8 tháng đầu năm 2021 giảm 4,7%, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra nhiều năm trước dịch. Du lịch lữ hành giảm mạnh nhất 61,8% trong khi bình quân 5 năm trước dịch ngành này tăng 9,8%/năm.
Khu vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 30% GDP năm 2020) đang là động lực, đóng góp trên 50% vào mức tăng trưởng GDP, 8 tháng đầu năm tăng trưởng thấp ở mức 5,5%, chỉ bằng khoảng 50% tốc độ tăng bình quân 5 năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Trong đó, sản xuất công nghiệp TP. HCM (địa phương có quy mô công nghiệp và quy mô kinh tế lớn nhất cả nước) giảm xấp xỉ 7%. Đáng chú ý, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 (xuất hiện từ tháng 5 đến nay) đã ảnh hưởng nặng nề làm cho tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả nước tháng 7 giảm 0,3%, tháng 8 giảm 7,8%. Cũng trong tháng 8/2021, có tới 30/63 địa phương trong cả nước có tốc độ sản xuất công nghiệp giảm so cùng kỳ năm trước.
Lao động toàn ngành công nghiệp đến thời điểm 1/8 năm nay giảm 10,6% so với thời điểm năm trước. Tại TP. HCM, lao động công nghiệp giảm 55,1%. Kết quả khảo sát 6.600 doanh nghiệp công nghiệp đại diện các vùng viên do Tổng cục Thống kê thực hiện trong tháng 9 cho thấy, 95% doanh nghiệp công nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; 80% doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào do dịch...
Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hiện số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên phạm vi cả nước là trên 850.000 doanh nghiệp, bình quân giai đoạn 2015-2020 mỗi năm cả nước có trên 130.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thể hiện nỗ lực cũng như hiệu quả của chính sách điều hành của Chính phủ. Nước ta đang tiến dần tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp (mục tiêu đặt ra là năm 2020), và thời gian tới không lâu nữa nước ta sẽ đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp.
Nhiều nhà máy điện phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng
Tính đến hết tháng 8/2021 toàn nền kinh tế có tới 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó ngành sản xuất và phân phối điện có số doanh nghiệp thành lập mới giảm 73%.
Đặc biệt ngành điện, theo ông Thuý, trong những năm gần đây, Chính phủ khuyến khích đẩy mạnh sản xuất điện để đảm bảo cho tiêu dùng của người dân và phát triển kinh tế. Hiện nay năng lực sản xuất điện hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trên, nhưng năm 2020 và 2021 ngành điện buộc phải cắt giảm công suất và hạn chế sản xuất điện đối với nhiều doanh nghiệp. Lý do là năng lực sản xuất điện đang vượt cầu khá nhiều, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và tiêu dùng của người dân giảm do tác động của dịch Covid-19 nên nhiều nhà máy điện phải dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng.
8 tháng đầu năm sản xuất điện chỉ tăng trên 4%, thấp nhất nhiều năm qua, trong khi bình quân những năm trước dịch tốc độ tăng trưởng điện thường gấp đôi hoặc hơn.
Bên cạnh đó, tăng trưởng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản cùng giảm 18,2%. Số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn 8 tháng là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2%, đây là con số tăng khá lớn, những năm trước dịch chưa bao giờ có hiện tượng này.
Trong những năm gần đây khi điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường thì số doanh nghiệp thành lập mới luôn cao hơn thậm chí gấp 2 lần so với số doanh nghiệp ngừng kinh doanh, nhưng năm 2020 và 2021 cho thấy dịch Covid-19 tác động nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình thành lập mới của doanh nghiệp.
Đối với gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp về giảm lãi suất, theo ông Thuý, về lý thuyết, khi lãi suất giảm, số doanh nghiệp vay vốn sẽ nhiều hơn, vì thế số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường nhiều hơn, quy mô nền kinh tế được đẩy lên, việc làm tăng, thu nhập người lao động tăng làm cho GDP tăng theo.
Các gói hỗ trợ của Chính phủ về lãi suất cho doanh nghiệp để vượt qua đại dịch Covid-19 đến nay vẫn gặp nhiều bế tắc ở chỗ doanh nghiệp rất khó hoặc không thể vay vốn được do điều kiện vay vốn ngặt nghẽo, khó tiếp cận, đặc biệt với điều kiện yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, phải chứng minh được kế hoạch/phương án kinh doanh hiệu quả, có lãi trong khi nhiều doanh nghiệp đang trong tình cảnh kiệt quệ về vốn, đình trệ sản xuất kinh doanh do phải chống chịu đại dịch Covid-19 quá lâu.
"Nhiều doanh nghiệp đứt gãy, cụt vốn, không trả được vốn vay thì phải có giải pháp nào? Gói hỗ trợ lãi suất sắp tới nếu được Chính phủ triển khai cần gỡ được nút thắt nhất là yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện thế chấp/tín chấp/chứng minh phương án kinh doanh hiệu quả, do vậy cần phải có có quy chế đặc biệt, thủ tuc cần đơn hóa, dễ tiếp cận, bình đẳng cho mọi đội tượng, loại hình doanh nghiệp, ưu tiên những doanh nghiệp, cơ sở kinh tế hoạt động trong những ngành, nghề, lĩnh vực, các địa phương đang chịu thiệt hại nhất từ đại dịch Covid-19. Khó nhất ở gói kích cầu, hỗ trợ vay vốn này cần phải tháo gỡ ngay", Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.