|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất lựa chọn những lĩnh vực có “điểm nghẽn”, tiềm ẩn “rủi ro” vào đối tượng giám sát

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị các lĩnh vực quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế xã hội có “điểm nghẽn”, tiềm ẩn “rủi ro” thuộc đối tượng giám sát.

Kiến nghị Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, trong đó, đã xác định rõ việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ ra, qua thực tiễn tham mưu, phục vụ triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2022, Ủy ban Pháp luật nhận thấy tuy đã có nhiều cố gắng và có chuyển biến tích cực nhưng trong hoạt động của Ủy ban, Thường trực Ủy ban Pháp luật vẫn chưa khắc phục được sự thiếu cân đối giữa các hoạt động phục vụ công tác xây dựng pháp luật với hoạt động giám sát; việc phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong việc tham mưu, phục vụ các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong một số trường hợp còn chưa thật rõ ràng.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và Chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy kiến nghị, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội năm 2022. Kết luận, kiến nghị giám sát phải tập trung vào các nội dung trọng tâm, sâu sắc, có tính thuyết phục và thực tiễn. “Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát...”- bà Nguyễn Phương Thủy nói.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, năm 2022, triển khai các Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực tham gia và đóng góp các ý kiến có chất lượng vào kế hoạch, nội dung đề cương giám sát của các Đoàn giám sát.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, cũng như phát huy được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hằng năm (tối thiểu trước 01 năm). Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện.

Xác định đổi mới công tác giám sát là khâu trọng tâm

Về báo cáo gửi Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, các báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã tập trung đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo, có so sánh với cùng kỳ; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và kết quả đạt được trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2022 đã có những đổi mới mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện trách nhiệm giám sát. Nội dung giám sát được lựa chọn đúng và trúng các chuyên đề đang được dư luận xã hội và cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm. “Qua kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã có nhiều kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thuộc nội dung giám sát và liên quan trong thời gian tới”- Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nêu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh phát biểu tại hội nghị

Để phát huy những kết quả đạt được, hạn chế những tồn tại hạn chế trong hoạt động giám sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn các lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trọng yếu đến hoạt động quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội; lĩnh vực có nhiều điểm nghẽn, vướng mắc; lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tổ chức quản lý điều hành và đòi hỏi cần phải có trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát để tập trung giám sát mới có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị nghiên cứu cải thiện phương thức dự báo, lập kế hoạch giám sát trong hoạt động tổng thể của Quốc hội, theo đó cân đối thời gian giám sát hợp lý để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đủ thời gian, nhân lực thực hiện các kế hoạch chuyên môn được phân công.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cần nghiên cứu phân công các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố cùng tham gia giám sát chuyên đề của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm khai thác lợi thế nắm bắt thực tiễn tình hình và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề bức xúc tại địa phương; đồng thời tăng cường trách nhiệm trong tái giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết giám sát của các cơ quan này trên địa bàn phụ trách.

Đại diện đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời đại diện đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đề nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”- đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội đề xuất.

Quỳnh Nga- Lan Anh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết