|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh truyền thông cải thiện năng lực phòng vệ cho doanh nghiệp

Trước sự gia tăng các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, để tăng cường ứng phó và nâng cao năng lực phòng vệ cho doanh nghiệp, các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về phòng vệ thương mại đóng vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết.

Năm 2020, theo Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương, số lượng vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tăng ở mức kỷ lục với tổng số 39 vụ việc, trong đó có 21 vụ chống bán phá giá, 6 vụ việc chống trợ cấp, 10 vụ việc tự vệ, 2 vụ chống lẩn tránh thuế. Số vụ việc năm 2020 cao gấp 2,5 lần so với 16 vụ việc của năm 2019, bằng gần 20% tổng số vụ việc tính từ năm 1995 tới nay. Tính đến hết tháng 7 năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 207 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 160 vụ việc, chiếm tỷ lệ 77%.

Đẩy mạnh truyền thông cải thiện năng lực phòng vệ cho doanh nghiệp
Công tác truyền thông về PVTM sẽ được đẩy mạnh nhằm hạn chế các nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM cho doanh nghiệp, ngành hàng sản xuất trong nước

Ghi nhận của Cục PVTM, bên cạnh sự gia tăng về số lượng, tính chất các vụ việc mới cũng trở nên đa dạng, phức tạp hơn thời gian trước đây. Theo đó, các sản phẩm không chỉ giới hạn ở kim loại cơ bản như sắt, thép mà đã mở rộng ra nhiều sản phẩm mới gạch ốp lát, đệm mút, ghế ngồi, dây dồng, giấy cuốn gói thuốc lá. Đặc biệt, các nước trước đây ít tiến hành điều tra, nay cũng bắt đầu tiến hành hoặc gia tăng nhanh chóng các vụ việc điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trước tình hình đó, bên cạnh ứng phó với các vụ khởi xướng mới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, xử lý nhiều vụ việc rà soát các sản phẩm đã bị áp dụng thuế trước đây và chuẩn bị cho các vụ việc có nguy cơ bị điều tra trong tương lai gần. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang xử lý các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM của nước ngoài; cáo buộc hàng hóa Việt Nam lẩn tránh thuế chủ yếu xuất phát từ việc nước ngoài đã áp dụng thuế đối với hàng hóa có xuất xứ từ nước thứ ba và nghi ngờ doanh nghiệp của nước thứ ba có hành vi lẩn tránh qua Việt Nam để tiếp tục được xuất khẩu.

Đặc biệt, do kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, các nước đẩy mạnh bảo vệ ngành sản xuất trong nước, vì vậy, để năng cao năng lực phòng vệ cho doanh nghiệp, ông Chu Thắng Trung- Phó Cục trưởng Cục PVTM nhấn mạnh, Bộ Công Thương xác định công tác cảnh báo sớm và tuyên truyền thông tin về PVTM, phổ biến các nguy cơ tiềm ẩn, cũng như quyết tâm của Chính phủ đối với PVTM, chống gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM hết sức quan trọng và không ngừng đẩy mạnh thực hiện.

Với chủ trương đó, nửa năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng Cục PVTM đã đẩy mạnh các các hoạt động như: Xây dựng bản tin, bài viết, trả lời phỏng vấn/phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến các vụ việc PVTM cho các ngành sản xuất trong nước và cơ quan truyền thông… Đồng thời, Cục đã nỗ lực tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi, hội thảo trực tuyến về công tác PVTM để trao đổi thông tin, tuyên truyền pháp luật về PVTM, hướng dẫn trả lời bản câu hỏi điều tra phục vụ PVTM; hoàn thiện và phát hành báo cáo PVTM thường niên 2020 và phát hành 2 bản tin giấy về PVTM; bản tin điện tử hàng tuần về PVTM và Cảnh báo sớm xuất bản 20 số; duy trì và cập nhật thông tin lên trang thông tin của Cục 94/bài, trung bình có khoảng 12.757 người theo dõi với tần suất hơn 35.000 lượt truycập website trong 6 tháng đầu năm 2021; cập nhật Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, lẩn tránh thuế để cung cấp cho các doanh nghiệp, Hiệp hội các ngành hàng sản xuất.

Theo ông Chu Thắng Trung, thông qua các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về PVTM, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp, phương án tư vấn cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nhằm tránh bị các nước khác điều tra PVTM, lẩn tránh biện pháp PVTM. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chủ động, tự tin hơn khi tham gia các thị trường có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, thời gian tới do xu hướng bảo hộ của một số thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng các vụ việc điều tra PVTM ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam dự kiến cũng sẽ lớn hơn trong giai đoạn sắp tới. “Để chủ động ứng phó với các thách thức đặt ra, Cục PVTM cũng liên tục khuyến nghị doanh nghiệp, ngành hàng cần có sự chuẩn bị, trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, nhất là các quy định pháp luật về PVTM của Việt Nam và các thị trường đang và sẽ xuất khẩu cũng như chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ bị kiện PVTM ”- ông Trung nhấn mạnh.

Về phía Cục PVTM, trong kế hoạch cuối năm 2021, theo ông Chu Thắng Trung, Cục PVTM sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật PVTM của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ PVTM và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam. Cũng như tiếp tục tăng cường theo dõi, nghiên cứu và phân tích thay đổi chính sách, pháp luật PVTM và thông lệ điều tra của các đối tác, thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU… Hoàn thiện nền tảng cho việc thực hiện hiệu quả công việc của Cục như cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử, quy trình xử lý vụ việc.

Bên cạnh đó, Cục PVTM sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện trang thông tin điện tử của Cục, duy trì bản tin điện tử, Cảnh báo sớm hàng tuần, các báo cáo PVTM hàng tháng/hàng quý. Tiếp tục cập nhật Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, lẩn tránh thuế; Xây dựng và xuất bản Bản tin chống lẩn tránh biện pháp PVTM; tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật PVTM, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cơ quan báo chí có liên quan. Thực hiện khảo sát năng lực khởi kiện, kháng kiện của doanh nghiệp trong các ngành hàng trọng điểm. Triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực PVTM cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do.

Cục PVTM đang triển khai xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong công tác PVTM, nâng cao năng lực PVTM cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm trong các cơ chế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Hoa Quỳnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết