Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định là một trong 10 tiêu điểm nổi bật ngành Công Thương năm 2022
Đây là một trong những thông tin nổi bật tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương. Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị vào ngày 26/12 tại Hà Nội.
Dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN.
Cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, năm 2022, tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đã tác động bất lợi đến nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc hội nghị |
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong lĩnh vực Điện lực, ngành Điện đã cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất tăng cao sau thời kỳ dịch bệnh; đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ, tết, các sự kiện chính trị, văn hóa-thể thao lớn của đất nước.
Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, các tập đoàn EVN, TKV, PVN tập trung tháo gỡ khó khăn đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm, đóng góp tích cực cho khôi phục và phát triển kinh tế.
Bộ Công Thương cũng ghi nhận EVN và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng, sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo như: đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, đường dây 220kV Ninh Phước - Thuận Nam và các TBA 220kV Vĩnh Hảo, nâng công suất TBA 220kV Phước Thái, TBA 220kV Cam Ranh, TBA 220kV Vĩnh Châu…
Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tính minh bạch trong huy động các nhà máy điện, tạo môi trường cạnh tranh, tăng cường tính chủ động của các đơn vị tham gia thị trường điện. Tính đến tháng 11/2022, đã có 108 nhà máy điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện, với tổng công suất đặt 30.837MW, chiếm khoảng 38,8% tổng công suất toàn hệ thống; có 6 đơn vị mua buôn điện trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn điện từng bước được mở rộng về quy mô…
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) tham dự hội nghị |
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện trọng điểm
Năm 2023, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Thực hiện hiệu quả, cơ cấu ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh doanh nghiệp, sản phẩm; quyết liệt triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào vận hành các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm theo đúng tiến độ.
Với ngành Điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục, tập trung thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật như: sửa đổi Luật Điện lực; xây dựng Nghị định hướng dẫn Điều 6, Luật số 03/2022/QH15 về xã hội hóa lưới điện truyền tải; hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện; tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ các đề án như: hoàn thiện Quy hoạch điện VIII; chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; báo cáo Chính phủ để ban hành Nghị quyết Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và trình phê duyệt các cơ chế, chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo phù hợp với mục tiêu, quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành…
Song song đó, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm; huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạtn; phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về đề án chuyển đổi Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thành Công ty TNHH MTV...
Một số mục tiêu cân đối điện của ngành Công Thương năm 2023: + Tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà): dự kiến đạt 83.156MW, tăng 4,4% so với ước thực hiện năm 2022. + Tỷ lệ dự phòng công suất nguồn (không bao gồm năng lượng tái tạo): dự kiến đạt 18,8% - 20,1%. + Điện thương phẩm: Dự kiến đạt khoảng 259,5-263,6 tỷ kWh, tăng 7,4 - 9,1% so với ước thực hiện năm 2022. + Điện sản xuất và nhập khẩu: Dự kiến đạt khoảng 289,9 - 294,3 tỷ kWh, tăng 8-9,7% so với ước thực hiện năm 2022. |