Công ty ĐHĐ sẵn sàng công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023
Ngày 14/7/2023, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận; Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ; Tổng công ty Phát điện 1; đại diện các Công ty thủy điện: Đại Ninh, Đồng Nai 3 và 4, Trị An. Ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty chủ trì hội nghị.
Hội nghị PCTT&TKCN được Công ty tổ chức định kỳ vào tháng 7 hằng năm. |
Theo báo cáo tổng kết tại hội nghị: Diễn biến thủy văn trên khu vực công trình thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi năm 2022 tương đối thuận lợi, không xuất hiện thời tiết thiên tai bất thường nhưng lượng mưa phân bố không đều ảnh hưởng đến lưu lượng nước về hồ. Lưu lượng về hồ Đơn Dương năm 2022 là 28,56 m3/s xấp xỉ năm 2021 là 28,41 m3/s, cao hơn lưu lượng trung bình nhiều năm (từ 1978 đến 2017) là 22,40 m3/s; lưu lượng về hồ chứa Hàm Thuận năm 2022 là 46,19 m3/s thấp hơn năm 2021 là 56,32 m3/s và lưu lượng trung bình nhiều năm (từ 1952 đến 2016) là 50,40 m3/s. Lưu lượng về hồ chứa Đơn Dương thuận lợi đã tạo điều kiện tốt trong công tác tích nước hồ chứa, phát điện và cấp nước cho hạ dụ vào mùa cạn năm 2023. Trong năm không xuất hiện lũ tại các hồ chứa Đơn Dương và Hàm Thuận.
Hồ chứa Đa Mi là thủy điện bậc thang dưới của Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận nên lưu lượng về hồ phù thuộc hoàn toàn vào lưu lượng chạy máy của Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ cấp nước cho hạ du, hằng năm vào tháng 12, Công ty đã phối hợp với các cơ quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị liên quan thuộc tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận để thống nhất kế hoạch cấp nước cho hạ du trong mùa cạn. Kế hoạch này được gửi đến Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Cục Quản lý Tài nguyên nước và UBND các cấp để kịp thời trong công tác phối hợp và chỉ đạo.
Theo kết quả báo cáo tại hội nghị, các nhà máy thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi đã cung cấp đủ nước cho hạ du cho tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào mùa cạn năm 2022.
Kể từ khi đưa vào vận hành, cụm thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi cung cấp nguồn nước dồi dào, ổn định cho các huyện Tánh Linh và Đức Linh tỉnh Bình Thuận. |
Bên cạnh đó, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cấp nước cho người dân khu vực hạ du đập Đơn Dương để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2022, thực hiện theo yêu cầu của UBND huyện Đơn Dương, Công ty đã cấp nước từng đợt qua cửa xả tràn cho khu vực hạ du đập Đơn Dương, lưu lượng xả trung bình năm là 3,27 m3/s.
Về kết quả thực hiện công tác PCTT&TKCN năm 2022, Công ty đã thực hiện bảo dưỡng và vận hành hồ chứa thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi tuân thủ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai (theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Quy trình vận hành đơn hồ do UBND tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận phê duyệt. Trong năm, Công ty đã cập nhật phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp các công trình thủy điện trình UBND các tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện bảo vệ đập Đơn Dương, Hàm Thuận và Đa Mi theo phương án đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời thực hiện quan trắc định kỳ theo Quy trình quan trắc công trình thủy công do Công ty ban hành. Kết quả quan trắc năm 2022 cho thấy các công trình thủy điện Đa Nhim, Hàm Thuận và Đa Mi đang trong tình trạng vận hành bình thường, ổn định.
Trong năm 2022, Công ty đã thực hiện công tác PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện diễn tập PCTT&TKCN tại các hồ Đơn Dương, Hàm Thuận và Đa Mi. Các đợt diễn tập đã đạt được yêu cầu theo mục đích đã đề ra, mang lại ý nghĩa thiết thực cho CBCNV trong công tác bảo trì, vận hành hồ chứa, xử lý các tình huống liên quan đến an toàn đập; thực hành phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và sơ cấp cứu khi hồ thủy điện xả lũ.
Năm 2022, Công ty đã vận hành hệ thống thiết bị công trình an toàn, hiệu quả theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 1, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và các ban, ngành liên quan.
Thực hiện kế hoạch năm 2023, Công ty tiếp tục triển khai công tác PCTT&TKCN trên cơ sở tăng cường công tác quản lý, sửa chữa hệ thống thiết bị, công trình. Trong đó, Công ty chú trọng tuân thủ các văn bản của pháp luật hiện hành; tuân thủ thực hiện các quy trình vận hành hồ chứa, quy trình bảo trì công trình và quy trình quan trắc công trình thủy công.
Nhận xét về tình hình thủy văn năm 2023, ông Lê Đình Quyết - Đại biểu đến từ Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết: Lượng mưa năm nay thấp hơn năm 2022 từ 15 đến 20%. Tuy nhiên, diễn biến mưa có thể phức tạp khi xuất hiện những cơn mưa lớn từ 200 đến 300 mm. Số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ít hơn trung bình nhiều năm nhưng cường độ và quỹ đạo của bão sẽ phức tạp, lưu lượng nước về các hồ chứa có thể dồn dập, gây khó khăn trong công tác vận hành hồ chứa.
Theo ông Trần Xuân Hiền - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Lâm Đồng: Do ảnh hưởng của El Nino nên mùa mưa năm 2023 có khả năng kết thúc sớm hơn năm 2022. Tuy nhiên, mưa lớn có thể xảy ra gây ngập cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Do đó, Công ty cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết để vận hành hồ chứa phù hợp.
Ông Trần Xuân Hiền - Giám đốc Đài KTTV Lâm Đồng. |
Các đại biểu đến từ tỉnh Bình Thuận đều khẳng định vai trò quan trọng của công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi trong việc cấp nước cho hạ du và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Công ty với địa phương trong công tác PCTT&TKCN.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận: Năm 2022, Công ty đã cấp đầy đủ nước cho hạ du các huyện Tánh Linh và Đức Linh, góp phần trong việc hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận.
Ông Nguyễn Hữu Phước đề nghị Công ty có kế hoạch tích nước hồ Hàm Thuận đạt mực nước dâng bình thường vào cuối năm để đảm bảo cấp nước cho hạ du vào mùa cạn 2024. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, quan trắc hồ chứa, thực hiện quản lý an toàn hồ đập theo quy định, cắm tiêu cảnh báo lũ ở những vị trí có nguy cơ ngập khi hồ Hàm Thuận xả lũ để cảnh báo người dân. Ông cũng yêu cầu Công ty phối hợp với địa phương trong công tác tuyên truyền, bảo vệ hành lang thoát lũ sông La Ngà, đảm bảo an toàn cho hạ du.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận. |
Ông Đỗ Minh Lộc đại diện Lãnh đạo Công ty cám ơn các đại biểu đã tham dự hội nghị và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực về công tác PCTT&TKCN. Ông Đỗ Minh Lộc cho biết: Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng các tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận trong công tác vận hành hồ chứa, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương trong tuyên truyền bảo vệ hành lang thoát lũ sông Đa Nhim và sông La Ngà. Công ty sẽ tiến hành khảo sát, phối hợp với địa phương lập kế hoạch cắm bổ sung tiêu cảnh báo lũ trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an toàn cho hạ du.
Ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty phát biểu tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Tiến Chương - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 đã cám ơn chính quyền địa phương các cấp đã hỗ trợ Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi vận hành các nhà máy điện an toàn, hiệu quả trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Tiến Chương cho biết: Để sử dụng tối ưu tài nguyên nước cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ hồ, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn và chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Tiến Chương đề nghị các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cung cấp các bản tin dự báo thời tiết thường xuyên hơn để Công ty lập kế hoạch vận hành các tổ máy phát điện để cấp nước cho hạ du đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Tiến Chương - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1. |
Hội nghị PCTT&TKCN được Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 7 khi hồ Hàm Thuận bước vào giai đoạn vận hành mùa lũ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa. Hội nghị cũng là dịp để các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai, Trung tâm dự báo thủy văn và chính quyền địa phương tăng cường phối hợp để vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất điện, vừa đảm bảo cấp nước, an toàn cho hạ du./.
NGUYỄN NGỌC TUẤN