|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội để Tây Nguyên phát triển thông qua hợp tác với Ấn Độ

Hơn 40 doanh nghiệp từ 8 bang của Ấn Độ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, du lịch, công nghệ thông tin, giáo dục… đến thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu, kết nối giao thương với gần 50 doanh nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Ấn Độ còn dưới tiềm năng

Là đơn vị phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện diễn ra trong 2 ngày, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng, ông Dương Quốc Anh phát biểu: “Vùng Tây Nguyên của Việt Nam bao gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông là vùng đất giàu tiềm năng, với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu ôn hòa, mát mẻ; vùng Tây Nguyên cũng là thủ phủ của các loại cây công nghiệp như cà phê, trà, tơ lụa, hồ tiêu,… Đó là cơ sở, là tiền đề quan trọng để phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn liền với ngành công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản”.

Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh-ngài Madan Mohan Sethi trong chương trình giao thương 

Ngài Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần đầu tiên, hơn 40 doanh nghiệp đến từ 8 bang của Ấn Độ đến Đà Lạt. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: nông nghiệp, dược phẩm, máy móc nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch và giáo dục. Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới; có thế mạnh to lớn trong các lĩnh vực ô tô, dược phẩm, công nghệ sinh học, nông nghiệp, dệt may, hóa chất, ngân hàng, tài chính, kỹ thuật và công nghệ thông tin. Một phái đoàn doanh nghiệp lớn đến Việt Nam là nhằm phát triển mối quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp của cả hai bên.  

“Tôi đã nhiều lần đến hơn 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Những gì tôi thấy là cơ hội ở khắp mọi nơi trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và giáo dục, công nghệ thông tin, du lịch, chăm sóc sức khỏe… Mặc dù chúng ta có kim ngạch thương mại song phương tốt, với hơn 15 tỷ USD, nhưng chúng ta đều biết rằng nó đang ở dưới tiềm năng”, ngài Madan Mohan Sethi phát biểu.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Tây Nguyên thu hút các doanh nhân Ấn Độ 

“Tôi muốn chia sẻ rằng Việt Nam có mọi cơ hội và tiềm năng để trở thành nền kinh tế lớn trong ASEAN trong những thập kỷ tới. Do vị trí địa lý chiến lược, lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao và mạng lưới hậu cần tốt hơn, Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế dựa trên sản xuất và dịch vụ”(Ngài Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh).

 

Tây Nguyên có nhiều ưu thế để kỳ vọng hợp tác với Ấn Độ

Đại diện lãnhh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên đã chia sẻ đến đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp Ấn Độ về tiềm năng, một số thành tựu và những chính sách ưu đãi đầu tư của địa phương. Với tỉnh Lâm Đồng, nhiều sản phẩm hàng hóa chủ lực đã được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Trong đó, các sản phẩm chính gồm: cà phê nhân với giá trị xuất khẩu 2,57 triệu USD; tơ tằm thô, tơ xe, vải lụa với giá trị xuất khẩu 38,2 triệu USD; oxit nhôm với giá trị xuất khẩu 32,2 triệu USD; dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Hiện, tỉnh có 98 dự án vốn FDI, đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, đầu tư với tổng vốn khoảng 12.570 tỷ đồng, có quy mô diện tích trên 2.234 ha.

Tỉnh Đắk Lắk từ năm 2021 đến nay đã thu hút 49 dự án với tổng vốn đầu tư trên 28.566 tỷ đồng. Nhiều dự án đã hoạt động và có hiệu quả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2016-2020 đã thu hút, kêu gọi đầu tư 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2021-2022, tỉnh có 79 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng vốn đăng ký 33.000 tỷ đồng. Tại tỉnh Kon Tum, hiện có 08 dự án nguồn vốn FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 5.112 tỷ đồng. Nhà đầu tư bao gồm đến từ các quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Singapore, tập trung các lĩnh vực nông-lâm nghiệp và năng lượng tái tạo.

Trao đổi giữa hai bên để tìm kiếm sự hợp tác 

Với Đắk Nông, những năm qua, tỉnh đã hợp tác với Ấn Độ xuất khẩu sản phẩm Alumin và nhập khẩu sản phẩm Điều nguyên liệu. Theo quy hoạch, Đắk Nông có trữ lượng 3,4 tỷ tấn quạng thô, trong đó, mỏ bô xít Nhân Cơ có trữ lượng dự tính 43.668.000 tấn. Hiện nhà máy Alumin Nhân Cơ đã hoạt động hiệu quả, công suất đạt 702.000 tấn/năm 2022. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ Nhà máy luyện nhôm Đắk Nông với công suất 450.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là dự án chế biến sâu khoáng sản, sản xuất nhôm kim loại đầu tiên tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp Ấn Độ thưởng thức đặc sản của Tây Nguyên 

Chương trình kết nối giao thương, tiến tới hợp tác giữa Ấn Độ và 5 tỉnh Tây Nguyên là cụ thể hóa nội dung thể chế liên kết vùng theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị.

Minh Đạo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết