|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình phục hồi kinh tế dự kiến kéo dài 2 năm

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp bổ sung vào thời điểm cuối năm 2021. Chương trình có thời gian thực hiện kéo dài khoảng 2 năm (2022-2023) và tập trung vào 5 nhóm giải pháp.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nội dung của chương trình cho đến nay cũng đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ và Chính phủ nhiều vòng.

Trước đó, trong phiên họp Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có bài phát biểu, nhấn mạnh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến một số nội dung sơ bộ của chương trình.

Chương trình phục hồi kinh tế dự kiến kéo dài 2 năm
Doanh nghiệp là đối tượng được hỗ trợ trong chương trình phục hồi kinh tế

Nói về các giải pháp được đưa ra trong chương trình, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: Thứ nhất là về y tế, liên quan đến các giải pháp về phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường; thứ 2 là an sinh xã hội, nhằm đảm bảo phát triển hài hóa giữa kinh tế - xã hội, nhất là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thứ 3, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, giúp họ có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nguồn lực để phát triển trong tương lai; thứ 4, kích thích đầu tư công, theo đó, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, còn thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thứ 5, cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thời gian thực hiện của chương trình phục hồi dự kiến áp dụng trong khoảng 2 năm, trong đó chủ yếu tập trung vào năm 2022-2023, tuy nhiên, tùy vào tình hình cụ thể, diễn biến của dịch bệnh và những yêu cầu đặt ra của một số giải pháp mà có thể kéo dài hơn. Ví dụ như các dự án đầu tư công quy mô lớn, điển hình là đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến phía Đông giai đoạn 2, đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, rất khó có thể hoàn thiện trong vòng 2 năm thì có thể kéo dài thêm.

Mặc dù quy mô của chương trình phục hồi chưa được tiết lộ, vì chưa được báo cáo với cấp có thẩm quyền và chưa được thông qua, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công cụ để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế chủ yếu tập trung vào các giải pháp tài khóa, tiền tệ, kết hợp với công cụ khác như huy động sự tham gia của các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp cũng như thu hút sự tham gia của tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Các nhóm giải pháp được đưa ra trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần được hỗ trợ và mấu chốt của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh. Đặc biệt, đây là các giải pháp đủ mạnh để nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Nguyễn Hòa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết