|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo thiên tai dị thường, cần chủ động phương án bảo đảm an toàn hồ chứa nước trước mùa mưa, bão

Đập hồ chứa thủy điện đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết, thoát lũ, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai đối với cuộc sống và sinh hoạt của con người.

Cảnh báo bão, lũ diễn biến khốc liệt 6 tháng cuối năm

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong các tháng cuối năm 2024, dự báo biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan, khiến thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là mưa, bão, lũ, ngập lụt.

Đáng chú ý là kịch bản tác động trên khá giống với hình thái diễn biến khí hậu năm 2020, đây là năm thiên tai diễn ra không theo quy luật, dị thường, khốc liệt đã gây ra thảm họa lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất lịch sử ở miền Trung, nhất là các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.

Cảnh báo thiên tai dị thường, cần chủ động phương án bảo đảm an toàn hồ chứa nước trước mùa mưa, bão

Để đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện cũng như an toàn cho cuộc sống của người dân, nhiều nhà máy thủy điện tại các tỉnh phía bắc phải mở cửa xả đáy. (Ảnh minh hoạ)

“Hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024. Do vậy, người dân cần đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Tiếp đó, nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng Tám ở Bắc Bộ và từ tháng Chín ở khu vực Trung Bộ," ông Cường lưu ý và nhấn mạnh, với điều kiện trên ở khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ tháng 5-8/2024, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận.

Về xu thế mưa bão, theo dự báo từ tháng 6 đến hết năm 2024 có khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung từ tháng 9-11/2024.

Dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho thấy, thời gian mưa lớn xuất hiện chính ở khu vực Bắc Bộ sẽ tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9; từ cuối tháng 9 đến tháng 11/2024 ở khu vực Trung Bộ.

Trong điều kiện khí hậu trên, ông Cường dự báo mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50-100mm trong 3-6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị.

Như vậy trong nửa đầu mùa mưa bão, thiên tai sẽ tập trung ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Với kịch bản La Nina xuất hiện, bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền vào nửa cuối của năm.

"Đáng chú ý, mưa lớn, bão, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 có dấu hiệu tương tự với mùa mưa bão năm 2020,“ ông Cường nhấn mạnh.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ông Cường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; ứng dụng công nghệ mới nhằm chi tiết hóa và truyền tải các thông tin dự báo; duy trì và phát triển các hình thức truyền tải bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn tới người dùng như ứng dụng trên điện thoại di động, Facebook, Zalo, Youtube...

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương, các công trình thủy điện,... rà soát điều chỉnh các quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm hài hòa trong tích nước phục vụ sản xuất điện và cấp nước hạ du.

Kiểm tra, rà soát để chủ động ứng phó với thiên tai

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, để đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập, các cơ quan ban ngành, đơn vị quản lý hồ đập đã phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện nghiêm nội dung về kê khai đăng ký an toàn hồ đập; xây dựng quy trình vận hành; lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình; báo cáo hiện trạng... Đồng thời các đơn vị cũng khẩn trương rà soát hiện trạng các công trình, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, hạn hán, cấp nước hợp lý; huy động công nhân khẩn trương nạo vét các tuyến kênh mương, sửa chữa ống bơm, các thiết bị điện đảm bảo 100% các công trình vận hành tốt, an toàn trong mùa mưa bão năm nay.

Cảnh báo thiên tai dị thường, cần chủ động phương án bảo đảm an toàn hồ chứa nước trước mùa mưa, bão

Trận lụt lịch sử đang diễn ra tại Hà Giang, các chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh dầm mình dưới mưa lũ giúp dân.

Đơn cử đối với địa phương như tỉnh Lâm Đồng, theo lãnh đạo Sở Công Thương, đơn vị đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân trong vùng hạ du.

Qua đó, đánh giá mức độ an toàn của đập, rà soát thiết kế, khả năng chịu tải của đập có tính đến sự tác động của mưa bão; các thiết bị, công trình xả lũ, nhận nước... và khắc phục kịp thời các khuyết điểm trước mùa mưa, lũ. Kiểm tra, giám sát và hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện trước, trong và sau mùa mưa, bão; công tác quản lý vận hành khai thác công trình thủy điện theo quy định.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thuỷ điện; công tác lập và rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng năm cho phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập; việc điều chỉnh, bổ sung hằng năm cho phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, ứng phó với tình huống khẩn cấp; việc cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập thủy điện…

Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với thiên tai, trước mùa mưa bão năm 2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý thủy nông tỉnh Điện Biên đã lập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho 13 hồ chứa nước và các công trình thủy lợi trên địa bàn.

Ông Vũ Xuân Viễn, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý thủy nông tỉnh Điện Biên cho biết, đơn vị được tỉnh giao quản lý, khai thác, vận hành 13 hồ chứa nước nằm trên địa bàn tỉnh, với tổng dung tích ứng với mực nước dâng bình thường là trên 66 triệu m3. Nguồn nước tại các hồ chứa nói trên đã góp phần to lớn trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, nếu trên địa bàn có mưa nhiều, lũ lớn sẽ gây ra sự cố mất an toàn hồ đập, có nguy cơ cao đe doạ tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước.

Nhằm giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Công ty thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm 17 người. Đây là những cán bộ có năng lực, chuyên môn tốt, được cử túc trực 24/24 giờ tại các hồ chứa trong mùa mưa lũ; đồng thời phối hợp với các lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương để ứng cứu hồ đập, sơ tán dân trong vùng hạ du khi sự cố xảy ra. Công ty cũng đảm bảo công tác chuẩn bị đầy đủ vật tư tại các hồ chứa nước như: Đá hộc, cát, sỏi, tre cây, cọc, bao tải, rọ thép, máy điện, búa tạ và các bãi kho chứa vật tư; chuẩn bị tốt phương án và các thiết bị chủ lực với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ)… Đơn vị chú trọng có phương án cụ thể và sẵn sàng khi có sự cố xảy ra.

Tươg tự, ông Nguyễn Khánh Dư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập (Quảng Ninh), cho biết: Trước mùa mưa bão Công ty đã kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống hạng mục, công trình tại hồ Yên Lập. Đồng thời, đã tiến hành bảo dưỡng, bảo trì tất cả hệ thống máy móc, máy đóng mở, cống, tràn đảm bảo vận hành an toàn. Công ty đang theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, lượng mưa, lũ về hồ trong thời gian tới để có phương án điều tiết xả tràn, cắt lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Bên cạnh hồ Yên Lập, hiện nay, 12 hồ đập còn lại tại 5 địa phương gồm: Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên và Uông Bí, đều được Công ty chủ động theo dõi, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” tại những vị trí xung yếu sẵn sàng mọi phương án phù hợp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Còn tại khu vực Đông Triều, hiện nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều được tỉnh giao quản lý, khai thác 20 hồ đập vừa và nhỏ, với tổng dung tích trữ nước khoảng 38,5 triệu m3. Thời gian gần đây, tỉnh và Bộ NN&PTNT đã quan tâm dành nguồn lực nâng cấp, sửa chữa một số hồ như: Khe Chè, Đồng Đò 1, Đá Trắng, Rộc Chày, Gốc Thau, Sống Rắn và Quán Vuông. Những công trình này được sửa chữa kịp thời đang phát huy được hiệu quả trong việc tích trữ, cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh và đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2024.

Đức Lâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết