|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần sửa đổi khung pháp lý trong Luật trọng tài thương mại

Với các tranh chấp ngày càng nhiều tình tiết mới, Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng cần có những thay đổi cho phù hợp, sát hơn với thực tế.

Ngày 14/4/2023, tại TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn thảo luận “Thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam”.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), đã đưa ra những đánh giá sơ bộ về xu hướng áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trên thế giới.

Cần sửa đổi khung pháp lý trong Luật trọng tài thương mại
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

TS Vũ Tiến Lộc nhận định, phương thức này đang ngày càng thịnh hành và giữ một vị thế quan trọng trong hệ thống tài phán của các quốc gia. Tại Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại 2010 đã và đang là công cụ hỗ trợ rất tốt cho việc vận hành quy trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên theo TS Vũ Tiến Lộc, các tranh chấp ngày càng nhiều tình tiết mới, các bên cũng có những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn.

“Đặt trong lăng kính đối chiếu với luật trọng tài ở các quốc gia khác trên thế giới, có thể thấy, các quy định về trọng tài tại Việt Nam chỉ ở mức tương đối, vẫn có nhiều thủ tục mà doanh nghiệp chưa có cơ hội áp dụng. Điều này vô tình trở thành một trở ngại khá lớn, nhất là khi Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư. Việt Nam cần nhanh chóng bắt kịp quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý trọng tài trong nước để khi có tranh chấp phát sinh doanh nghiệp sẽ ưu tiên lựa chọn trọng tài Việt Nam, hòa giải Việt Nam thay vì nước ngoài.” TS. Vũ Tiến Lộc cho biết.

Cần sửa đổi khung pháp lý trong Luật trọng tài thương mại
Diễn đàn quy tụ các chuyên gia là các trọng tài viên, luật sư, nhà nghiên cứu uy tín và hàng đầu trong lĩnh vực trọng tài tham gia

Tại diễn đàn, các chuyên gia, luật sư đã tập trung thảo luận về vấn đề quản lý tranh chấp trong trọng tài. Các chuyên gia đã cho biết, Hội đồng Trọng tài vẫn cần sử dụng những công cụ khác để thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp hiệu quả và nhanh chóng hơn. Trong nhiều thủ tục được áp dụng, có vấn đề liên quan đến “thủ tục bác bỏ sớm” thủ tục này đã được quy định tại quy tắc và hướng dẫn của nhiều tổ chức trọng tài trên thế giới. “Thủ tục bác bỏ sớm” theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực trọng tài, là một trong những thủ tục giúp rút ngắn, tinh gọn quy trình tố tụng. Tại Việt Nam, “thủ tục bác bỏ sớm” chưa được áp dụng trên thực tiễn vì một số trở ngại khách quan, trong số đó vấn đề lớn nhất là giới hạn của Luật Trọng tài thương mại.

Theo TS. Đỗ Văn Đại - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thì chính các bên đều mong đợi có được một phán quyết. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra ở đây chính là cách phán quyết đó được thực thi như thế nào.

Cụ thể, bên cạnh nhiều ưu điểm mà phán quyết trọng tài mang lại thì cũng gặp không ít hạn chế, thứ nhất, cơ quan thi hành án đặt ra điều kiện phải chứng minh rằng phán quyết trọng tài được được yêu cầu thi hành án không là đối tượng của một yêu cầu hủy tại Tòa án - đây là điều khó khăn cho phía người yêu cầu thi hành án.

Trong trường hợp này, ở TP. Hồ Chí Minh, đã có một cơ chế liên thông giữa Tòa án và cơ quan thi hành án để xem xét rằng liệu phán quyết đó có phải đối tượng của yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hay không. Đó là một cơ chế liên thông rất thuận lợi. Tuy nhiên, chưa chắc chắn nó tồn tại được ở các địa phương khác hay không. Vì thế, đây có thể là một rào cản cho quá trình thi hành phán quyết trọng tài.

Thứ hai, hiện nay, phán quyết trọng tài sẽ không thể thực thi nếu bị yêu cầu hủy tại Tòa án. Điều này dẫn đến tình trạng: Bên thua kiện sẽ yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài nhằm hoãn việc thực thi phán quyết trọng tài, bởi vì cơ quan thi hành án sẽ không thi hành phán quyết trọng tài nếu phán quyết đó là đối tượng của yêu cầu hủy.

Diễn đàn thảo luận “Thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài tại Việt Nam” quy tụ các chuyên gia là các trọng tài viên, luật sư, nhà nghiên cứu uy tín và hàng đầu trong lĩnh vực trọng tài.

Diễn đàn đã đem đến cho người tham dự góc nhìn đa dạng về thủ tục tố tụng trọng tài, những thuận lợi và khó khăn đang tồn tại trong quá trình giải quyết tranh chấp. Qua các chia sẻ và đóng góp của các chuyên gia cũng như người tham dự.

Diễn đàn thảo luận sẽ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị và đưa ra báo cáo tổng kết nhằm sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài tại Việt Nam.

Đức Hiếu
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết