Cá nhân vay ngân hàng cũng cần được hỗ trợ
Cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19 nhưng khách hàng cá nhân lại hầu như chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ từ phía các nhà băng.
Thu nhập giảm vẫn phải trả đúng, đủ
Chị Hằng Nguyễn (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết từ trước đến nay chị sử dụng thẻ tín dụng của Vietcombank. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, nhu cầu dùng thẻ tín dụng của chị giảm hẳn, thu nhập còn giảm mạnh hơn. Theo quy định, sau 45 ngày, chủ thẻ mới phải thanh toán tiền chi tiêu, nếu không trả sẽ bị tính lãi. "Ở thời điểm bình thường thì 45 ngày là thoải mái, nhưng ở thời điểm hiện tại, 45 ngày vẫn rất eo hẹp. Dịch kéo dài 3 tháng là 3 tháng thu nhập giảm mạnh. Thế nên tôi chỉ mong ngân hàng (NH) có chính sách nào hỗ trợ, như cho trả góp 0% những tháng sau đó", chị Hằng Nguyễn nêu ý kiến.
Trường hợp của chị N.C (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) thì khó hơn. Cách đây vài năm, chị N.C vay tiền NH để mua bất động sản và mới đây NH thông báo tăng lãi suất cho vay khoảng 2%/năm, lên hơn 10%/năm. Mỗi tháng trước đây chị N.C trả gốc và lãi 100 triệu đồng/tháng, nhưng thu nhập sụt giảm do nghỉ việc nên hiện chị chỉ đóng được phần gốc khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về việc làm 6 tháng đầu năm 2021, quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong quý 2/2021 là 49,9 triệu người, giảm 65.000 người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng, trong đó khu vực đô thị tăng mạnh hơn nông thôn. Thu nhập của lao động làm công ăn lương quý 2 đạt 6,8 triệu đồng, giảm 411.000 đồng so với quý trước. Ngoài ra Tổng cục Thống kê còn công bố kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020, thu nhập bình quân 1 người mỗi tháng khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 1% so với năm 2019, trong khi đó chi tiêu bình quân hộ gia đình là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018…
Những con số trên cho thấy, thu nhập của nhiều người đã giảm rất mạnh. Người vay NH đối diện nguy cơ không thể kham nổi tiền lãi. Thực tế trong vòng 10 năm trở lại đây, tín dụng tiêu dùng tại VN tăng trưởng mạnh. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Các NH hầu như tập trung chiến lược phát triển bán lẻ, ngay cả nhà băng lớn chuyên bán sỉ là Vietcombank cũng đã chuyển hướng bán lẻ phát triển các sản phẩm dịch vụ khách hàng cá nhân trong nhiều năm qua. Việc cho cá nhân vay được xem là phân tán rủi ro đối với NH, đồng thời cũng là “con gà đẻ trứng vàng” khi lãi suất vay cũng ở mức cao hơn so với khách hàng doanh nghiệp. Thế nhưng, "con gà đẻ trứng vàng" đang gặp khó khăn lại chưa thấy các nhà băng có chính sách hỗ trợ gì.
Cần giãn, hoãn nợ vay tiêu dùng
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, phân tích: Khách hàng cá nhân trong mỗi NH hiện nay rất đông nhưng phân tán, nhỏ lẻ nên không thể tập hợp có tiếng nói chung. Họ không chỉ đối mặt với thu nhập giảm mà còn chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu gia tăng. Thế nên, việc NH điện hỏi thăm và có chính sách hỗ trợ tùy theo đối tượng khách hàng trong mùa dịch như giãn nợ, chậm thu vài tháng là cần thiết.
"Thông thường một khoản vay cá nhân liên quan đến bất động sản sẽ có thời hạn từ 10 năm trở lên thì việc hỗ trợ vài tháng cũng không thấm vào đâu so với nguồn thu mà khách hàng trả cho phía NH. Còn riêng đối với thẻ tín dụng, nhiều người tự tin thu nhập lương cao nên quẹt thẻ xài trước đó nhưng đột nhiên bị giảm thu nhập dẫn đến mất khả năng trả nợ. Một số NH áp dụng lãi suất bằng 0% đối với thẻ tín dụng là đối với khoản quẹt mới, còn những khoản cũ cần có hướng hỗ trợ họ. Ở đây, NH có thể cho trả góp 0% trong vòng 3 tháng", TS Đinh Thế Hiển đề xuất.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng đối với các cá nhân vay tiêu dùng, vay mua nhà để ở hay các khoản vay dài hạn trước đó mà làm công ăn lương nếu chứng minh được như lương bị giảm (thông qua bảng sao kê lương) hoặc thất nghiệp (giấy thôi việc, kết thúc hợp đồng lao động…) thì các nhà băng có thể giãn nợ cho đến khi tìm kiếm được việc làm mới. Khoản nợ hiện tại có thể được giảm lãi suất hoặc hỗ trợ không trả lãi suất trong thời gian trên để giảm áp lực chi phí cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn.
Riêng đối với cá nhân sử dụng thẻ tín dụng là vay tiêu dùng, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng thường là các khoản vay tương đối nhỏ nhưng với lãi suất khá cao, khoảng từ 25 - 30%/năm, NH nên giảm xuống tương đương với mức lãi vay tiêu dùng thông thường trung bình khoảng 15%/năm. Bên cạnh đó, NH cũng có thể tăng thời gian miễn lãi đối với thẻ tín dụng thay vì tối đa là 45 ngày như hiện nay lên 60 hoặc 90 ngày…
Khách hàng cá nhân có thể trao đổi với NH TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, phân tích: Thời gian qua một số cá nhân đang vay vốn tại NH cũng tự xoay xở nguồn lực tài chính để trả nợ NH. Thế nhưng Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nên khách hàng cá nhân có thể trao đổi với bên NH để xem được hỗ trợ trong giai đoạn này không. Hiện một số NH cũng đã triển khai giảm lãi cho khoản vay cá nhân. Riêng đối với một số khoản nợ khác như thẻ tín dụng, bảo lãnh, L/C, bao thanh toán cũng bị dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng… đang được kiến nghị để bổ sung vào đối tượng được hỗ trợ trong Thông tư 03 nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. |
Theo Báo Thanh Niên