Bộ Tài chính: Thu từ dầu thô góp phần giúp thu ngân sách Nhà nước năm 2021 vượt dự toán
Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 ước đạt 1.563,3 ngàn tỉ đồng, bằng 116,4%, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Kết quả này có được một phần là do tăng thu từ dầu thô.
Thông tin với báo chí sáng 6/1, Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của nền kinh tế, Cơ quan này đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả ứng phó với dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ |
Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí,... nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân. Kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 ngàn doanh nghiệp và 20 ngàn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 ngàn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38 ngàn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 ngàn tỷ đồng.
Trong tổ chức thực hiện thu NSNN, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý thu; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Bên cạnh đó, đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước khoảng 668,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; kết hợp với dịch Covid-19 đã được kiểm soát tích cực từ cuối tháng 9/2021, các hoạt động sản xuất - kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.563,3 ngàn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 ng ngàn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6%GDP (vượt mục tiêu 15,5%GDP). Thu ngân sách Trung ương ước đạt 106,7% dự toán và thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.
Về chi NSNN, theo Bộ Tài chính, công tác điều hành chi NSNN trong năm 2021 đã được chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Cụ thể, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân dân, như: trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, với số tiền huy động đến hết ngày 31/12/2021 đạt 8.803 tỷ đồng; trình Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022;...
Trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 và 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch của Bộ Y tế năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vắc-xin phòng Covid-19; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung 14.620 tỷ đồng dự phòng NSTW từ nguồn cắt giảm, tiết kiện chi NSTW năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 ngàn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 ngàn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương.
Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).
Về cân đối ngân sách nhà nước và huy động vốn, Bộ Tài chính cho biết, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo, ước tính năm 2021, bội chi NSNN dưới 4% GDP. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước. Lũy kế đến ngày 31/12/2021 đã thực hiện phát hành được 318,2 ngàn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,92 năm, lãi suất bình quân 2,3%/năm.
Hải Anh