|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định: Hoạt động thương mại ảnh hưởng do dịch Covid-19

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là những ngày cuối tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xuất hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, do vậy đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực dịch vụ, du lịch đã kéo theo sự suy giảm trên lĩnh vực hoạt động bán lẻ.

Theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, đánh giá tổng quan lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh thông suốt, không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 9 tháng năm 2021 ước đạt 55.578,2 tỷ đồng, đạt 71,3% KH năm, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Ngô Văn Tổng- Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho hay, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với các Sở ngành có liên quan, địa phương chủ động xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch cung ứng hàng hóa cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong bất kỳ tình huống nào. Việc chủ động trong công tác phối hợp, thông tin truyền thông đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh chuẩn bị tốt nguồn cung, đa dạng các loại hàng tiêu dùng đảm bảo đáp ứng phục vụ tiêu dùng cho nhân dân và khả năng huy động khi cần thiết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá gây bất ổn thị trường, nhân dân an tâm hưởng ứng và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Bình Định: Hoạt động thương mại ảnh hưởng khi xuất hiện ca COVID-19
Hoạt động thương mại bị ảnh hưởng khi Bình Định có trường hợp dương tính với Covid-19

Trong lĩnh vực xuất khẩu, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ được nhịp tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020. Đạt được kết quả khả quan đó là nhờ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục xuất khẩu theo các đơn hàng đã được ký kết từ cuối năm 2020 đến Quý II năm 2021. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Châu Á, Châu Âu, Mỹ đã bước đầu kiểm soát được dịch Covid-19, giao thương kinh tế của nhiều quốc gia đã khởi sắc và dần phục hồi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có thế mạnh của tỉnh sang các thị trường này.

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 9 tháng năm 2021 ước thực hiện 968 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ, đạt 84,2% KH năm 2021.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) 9 tháng năm 2021 ước đạt 313,8 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ, đạt 74,7% so với KH năm 2021.

Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cũng đã dần thích ứng với tình hình mua bán hiện nay, các doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh thông qua các kênh mua bán, giao dịch trực tuyến với khách hàng nước ngoài, từ đó tiếp tục gắn kết với khách hàng truyền thống và tìm kiếm khách hàng mới trong kinh doanh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Khánh- Trưởng đại diện Công ty TNHH Liên Kết Toàn Cầu (một đơn vị uy tính trong ngành Logistics tại Việt Nam) đóng tại Bình Định chia sẻ, do đại dịch, chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng. Việc hạn chế đi lại phong tỏa buộc doanh nghiêp Logistics phải sắp xếp cho nhân viên nghỉ nghơi ăn uống tại các khách sạn gần các cụm cảng, sân bay để xử lý hàng hóa được thông suốt trong mùa dịch. Việc vận chuyển xe container mất thời gian hơn và chi phí phải bỏ ra nhiều hơn. Do ảnh hưởng dịch nên việc kiểm tra giá , xử lý theo dõi hàng hóa với hệ thống đại lý mất thời gian hơn so với trước. Vận tải biển ít bị ảnh hưởng hơn những cước phí cũng tăng đáng kể.

Tuy nhiên theo ông Khánh, đại dịch lần này cũng là chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, các DN cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi.

Theo ông Ngô Văn Tổng, bên cạnh những kết quả đạt được, dự báo tình hình doanh nghiệp thương mại sẽ tiếp tục gặp không ít khó khăn trong thời gian tới. Vì dịch covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều lao động trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa gặp khó khăn khi di chuyển, phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành đơn hàng cho các đối tác nước ngoài.

"Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển tàu biển, giá thuê container tăng cao gấp nhiều lần làm cho việc xuất, nhập hàng hóa bị chậm trễ, kéo dài và không đáp ứng được thời gian giao hàng cho đối tác. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”; thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2; chưa tiếp cận được nguồn vắc xin tiêm ngừa cho người lao động của doanh nghiệp...ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu"- ông Tổng chia sẻ thêm.

Thành Long


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết