|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bến Tre: Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực

Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ở mức trung bình, tuy nhiên đã có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp có trình độ và năng lực công nghệ ở mức trung bình tiên tiến.

Thông qua việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá trình độ năng lực công nghệ sản xuất của các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2022 và định hướng đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030”, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Hỗ trợ Chuyển giao Công nghệ, Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN Bến Tre, Sở Công Thương Bến Tre đã tổ chức khảo sát, phân tích và đánh giá hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ của hơn 200 doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Kết quả cho thấy, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ở mức trung bình, tuy nhiên đã có một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp có trình độ và năng lực công nghệ ở mức trung bình tiên tiến.
Tình hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 31/07/2022, toàn tỉnh có 5.556 doanh nghiệp với vốn đăng ký 63.104,4 tỷ đồng, trong đó có 4.276 doanh nghiệp đang hoạt động, 187 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 1.093 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể.
Quy mô vốn đầu tư, năng lực, sức cạnh tranh, cũng như trình độ quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi số của doanh nghiệp còn hạn chế; hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh chiếm 92,47% (3.954 doanh nghiệp); doanh nghiệp vừa chiếm 5,38% (230 doanh nghiệp); doanh nghiệp lớn chiếm 2,15% (92 doanh nghiệp).
Số liệu thống kê tính đến tháng 08/2023 cho thấy, số lượng doanh nghiệp trong nhóm ngành chế biến, chế tạo của Bến Tre là 694 doanh nghiệp (chiếm 10,32% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh). Tổng số vốn trong nhóm ngành chế biến, chế tạo là 11.788 tỷ đồng (chiếm 22,04% tổng số vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh).

Nhóm nghiên cứu khảo sát sản phẩm chế biến thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại Bến Tre. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Theo Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 05 tăng 11,33% so cùng kỳ năm 2023 (trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,30%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,38%).
Đánh giá trình độ năng lực công nghệ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực
Nhằm đánh giá năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất trọng điểm, chủ lực của tỉnh Bến Tre, Trung tâm Hỗ trợ chuyển giao công nghệ đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá trình độ năng lực công nghệ sản xuất của các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2021-2022 và định hướng đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030", nhằm đưa ra được kết quả tính toán, phân tích, đánh giá, giúp cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN của tỉnh có luận cứ khoa học và thực tiễn để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Nhóm nghiên cứu khảo sát trình độ năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp sản xuất kẹo dừa ở Bến Tre. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất dựa vào phương pháp định lượng theo thang điểm chung (100 điểm cho tổng số 26 tiêu chí) để đưa về cùng một mặt bằng đánh giá.
Trong đó: nhóm T (hiện trạng công nghệ, thiết bị sản xuất) tối đa 30 điểm cho 7 tiêu chí; nhóm E (hiệu quả khai thác công nghệ) tối đa 20 điểm cho 5 tiêu chí; nhóm O (năng lực tổ chức, quản lý) tối đa 19 điểm cho 5 tiêu chí; nhóm R (năng lực nghiên cứu phát triển) tối đa 17 điểm cho 5 tiêu chí; nhóm I (năng lực đổi mới sáng tạo) tối đa 14 điểm cho 4 tiêu chí (Phương pháp đánh giá được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN, ngày 10/12/2019, của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất.
Căn cứ vào tổng số điểm đạt được của các tiêu chí, hệ số đồng bộ về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất để phân loại trình độ và năng lực công nghệ sản xuất. Theo đó, trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp được đánh giá và phân loại theo 4 mức: lạc hậu; trung bình; trung bình - tiên tiến; tiên tiến.
Kết quả đánh giá của nhóm nghiên cứu đối với 200 doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chủ lực của Bến Tre cho thấy, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ở mức trung bình, chiếm 69% (138 doanh nghiệp); 27% doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ) có trình độ và năng lực công nghệ sản xuất ở mức lạc hậu (54 doanh nghiệp); số lượng doanh nghiệp có trình độ và năng lực công nghệ ở mức trung bình tiên tiến chiếm 4% (8 doanh nghiệp).

Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp khảo sát (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Nhóm T có mức đóng góp công nghệ cao nhất trong 5 nhóm (đạt 17,13/30 điểm, ở mức trung bình, tiệm cận trung bình tiên tiến). Những tiêu chí có điểm thấp ở nhóm này là: cường độ vốn thiết bị, công nghệ (0,19/3 điểm); mức độ tự động hóa và tích hợp sản xuất (2,07/7 điểm).
Nhóm E có điểm trung bình đạt 10,32/20, ở mức trung bình. Những tiêu chí có điểm thấp ở nhóm này là: năng lực bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, dây chuyền, thiết bị của doanh nghiệp (1,99/4 điểm); khả năng tiếp nhận, chuyển giao công nghệ (1,01/4 điểm).
Nhóm O có điểm trung bình đạt 10,15/19, ở mức trung bình. Những tiêu chí có điểm thấp ở nhóm này là: tỷ lệ chi phí cho đào tạo, huấn luyện (mới đạt 0,96/3 điểm); thông tin phục vụ sản xuất, quản lý (2,01/5 điểm); bảo vệ môi trường (1,11/3 điểm).
Nhóm R có điểm trung bình đạt 4,18/17, ở mức thấp. Những tiêu chí có điểm thấp ở nhóm này là: nhân lực dành cho nghiên cứu và phát triển (0,11/4 điểm); hạ tầng dành cho nghiên cứu, phát triển (0,05/3 điểm); quỹ đầu tư và chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (0,06/4 điểm).
Nhóm I có số điểm thấp nhất (trung bình đạt 2,20/14 điểm), ở mức thấp. Những tiêu chí có điểm thấp ở nhóm này là: kết quả nghiên cứu và phát triển sản phẩm (0,08/4 điểm); kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ (0,05/4 điểm); năng lực liên kết hợp tác nghiên cứu, phát triển (đạt 0,05/2 điểm).

Kết quả đánh giá 5 nhóm năng lực và trình độ công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Bằng phương pháp luận và phương pháp tính toán hợp lý, nhóm nghiên cứu đã xác định được trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre và đưa ra các đánh giá năng lực vận hành, hấp thụ, làm chủ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre như sau:
(1) Năng lực vận hành công nghệ: 123/200 doanh nghiệp có năng lực vận hành công nghệ thấp; 77/200 doanh nghiệp có năng lực vận hành công nghệ cao.
(2) Năng lực hấp thụ công nghệ: 135/200 doanh nghiệp có năng lực hấp thu công nghệ thấp; 65/200 doanh nghiệp có năng lực hấp thu công nghệ cao.
(3) Năng lực làm chủ công nghệ: 166/200 doanh nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ thấp; 34/200 doanh nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ cao.
(4) Năng lực đổi mới sáng tạo: có 179/200 doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo thấp; 21/200 doanh nghiệp có năng lực năng lực làm chủ công nghệ cao.
Trần Văn Đức, Phạm Ngọc Hiếu, Tạ Xuân Hải, Nguyễn Khánh Tùng (Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ)
Nguyễn Minh Tuấn, Dương Thị Kim Thoa, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Kim Chi (Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre)
Cao Thị Thu Hà (Sở Công Thương Bến Tre)
Nguồn: vjst.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết