Bản tin năng lượng số 50/2021
Cục Điều tiết Điện lực thuộc Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ mới đây đã đồng tổ chức hội thảo trực tuyến Các nghiên cứu và ứng dụng hỗ trợ triển khai thực hiện lưới điện thông minh Việt Nam (Academy Day) tại Hà Nội.
Tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện với lưới điện thông minh
Hội thảo nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng lưới điện thông minh, giúp tăng cường việc chuyển tải nguồn năng lượng tái tạo lên lưới điện và góp phần hỗ trợ việc phát triển Lộ trình lưới điện thông minh tại Việt Nam.
Academy Day là sự kiện thường niên nằm trong khuôn khổ dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE) – dự án do Cục Điều tiết Điện lực/Bộ Công Thương cùng Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện và được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ. Năm nay, ban tổ chức đã hợp tác với Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) để tổ chức sự kiện nhằm đẩy mạnh các lợi ích của việc nghiên cứu và ứng dụng lưới điện thông minh đối với Việt Nam.
Tại hội thảo, các diễn giả đã giới thiệu về những hoạt động nghiên cứu lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Đức và Đan Mạch. Các chủ đề chính được thảo luận gồm việc nghiên cứu về vận hành và quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà, máy biến áp phân phối điều chỉnh điện áp, giao thức của các trung tâm dữ liệu và kinh nghiệm của Đan Mạch mà Việt Nam có thể học hỏi.
Các phần thảo luận tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu lưới điện thông minh và cách thức để hỗ trợ các cơ quan quản lý có thể hiện đại hóa lưới điện khi càng ngày càng có nhiều nguồn năng lượng tái tạo được đấu nối vào lưới.
Nghiên cứu và ứng dụng lưới điện thông minh, giúp tăng cường việc chuyển tải nguồn năng lượng tái tạo lên lưới điện. (Ảnh minh họa)
Ông Markus Bissel, Giám đốc dự án SGREEE cho biết: “Dù COVID-19 nhưng sự kiện Academy Day vẫn được duy trì tổ chức hàng năm. Nhờ vậy, các chuyên gia và nhà nghiên cứu có thể thảo luận các nghiên cứu mới nhất về lưới điện thông minh, thúc đẩy các đổi mới và ứng dụng của chủ đề này tại Việt Nam. Sự kiện cũng góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hoá lưới điện và phát triển Lộ trình lưới điện thông minh của Việt Nam khi quốc gia này đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện”.
“Nằm ở hai quốc gia châu Âu láng giềng, Cơ quan DEA của Đan Mạch và Tổ chức GIZ của Đức đã và đang hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong các vấn đề về năng lượng trong thời gian qua. Do đó, thông qua sự hợp tác chặt chẽ trong sự kiện năm nay, cả hai tổ chức sẽ phối hợp sử dụng các nguồn tài chính trong lĩnh vực này một cách hiệu quả nhất”, ông Markus chia sẻ thêm.
Công nghệ lưới điện thông minh không chỉ cho phép truyền tải điện mà còn tăng cường mức độ truyền tải thông tin và truyền thông trong hệ thống, giúp nâng cao độ tin cậy, bảo mật, hiệu quả của hệ thống điện. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam (Lộ trình lưới điện thông minh) sau khi nhận thấy các lợi ích của việc nâng cấp hệ thống truyền tải điện quốc gia. Lộ trình này nhằm cải thiện chất lượng và độ tin cậy của nguồn cung cấp điện quốc gia và cải thiện hiệu quả sử dụng điện.
Để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, Tổ chức GIZ – dưới sự uỷ nhiệm của Chính phủ Đức đã thực hiện dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE) từ năm 2017.
Khuyến khích doanh nghiệp Việt - Hàn hợp tác, chuyển giao công nghệ năng lượng sạch
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, ngày 22/12, tại Seoul, Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Moon Sung Wook đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc.
Tại kỳ họp, hai Bộ trưởng đã cùng thảo luận, thống nhất các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, giảm thiểu thiệt hại, duy trì hoạt động, đồng thời tìm động lực mới cho phát triển nhằm đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Moon Sung Wook đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc
Trong lĩnh vực năng lượng, trên cơ sở nhận định chung về tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết của hai quốc gia trong việc giảm khí thải ròng và trung hòa carbon cũng như xu hướng phát triển của năng lượng sạch trên thế giới, hai bên nhất trí sẽ cùng hợp tác khuyến khích doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là đối với những công nghệ mới như hydrogen, thu hồi carbon, lưu trữ năng lượng… Theo đề nghị của phía Việt Nam, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhất trí tiếp tục tài trợ giai đoạn 2 của dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và Hỗ trợ chương trình hành động phát triển xanh quốc gia” (2021 - 2025).
Ký hợp đồng EPC các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3
Mới đây, Ban quản lý dự án điện 2 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) phối hợp với liên danh nhà thầu ký kết hợp đồng EPC các dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và 3 qua hình thức trực tuyến.
Cụ thể, Ban quản lý dự án điện 2 phối hợp với liên danh nhà thầu Công ty TNHH Risen Energy (Hồng Kông, Trung Quốc) và Công ty CP Tasco (Việt Nam) tổ chức ký kết hợp đồng gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây dựng) của dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 3.
Hai dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban quản lý dự án điện 2 đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành dự án. Cả hai dự án đều được xây dựng tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Lễ ký kết giữa đại diện Ban quản lý dự án điện 2 và liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu EPC dự án điện mặt trời Phước Thái 2, Phước Thái 3
Hai nhà máy điện mặt trời sử dụng tấm quang điện loại silic đơn tinh thể, nối lưới trực tiếp, không lưu trữ, bộ nghịch lưu (Inverter) chuỗi. Công suất lắp đặt của Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 là 100MWp và Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 3 là 50MWp. Cả hai nhà máy được đấu nối lên hệ thống điện quốc gia qua đường dây 220kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm.
Theo kế hoạch, hai dự án sẽ hoàn thành phát điện vào quý III/2022, sau khi hoàn thành sẽ bổ sung sản lượng điện hàng năm trên 247 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực dự án và đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án điện 2, Giám đốc điều hành dự án, kết quả lựa chọn nhà thầu được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 1447/QĐ-EVN ngày 29/10/2021; Quyết định số 1677/QĐ-EVN ngày 03/12/2021 và nhà thầu trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Risen Energy (Hồng Kông, Trung Quốc) và Công ty CP Tasco (Việt Nam).
Liên danh nhà thầu cam kết sẽ nỗ lực đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và an toàn, đáp ứng những yêu cầu của phía chủ đầu tư – Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngân Hà