|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 49/2021

Theo các chuyên gia, điện gió ngoài khơi cần phải đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới, là một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch sang năng lượng sạch của nước ta.

Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam

Ban Kinh tế Trung ương vừa chủ trì, phối hợp với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đồng tổ chức hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn đối thoại cởi mở giữa các đại biểu trong và ngoài nước để cùng tìm kiếm các giải pháp, cơ chế đột phá để phát triển ngành, gắn với việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.  

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km với 28 tỉnh, thành phố ven biển vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong 4 nước của khu vực là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất khoảng 512 GW. Năm 2020, dự báo của Tổ chức Năng lượng thế giới (IEA) nhận định rằng, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển khu vực Đông Nam Á của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ.  

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5 - 10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỉ USD cho nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô tối thiểu để bảo đảm tính hiệu quả về quy mô của ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam tối thiểu khoảng 5 GW.

“Một số kết quả nghiên cứu và thực tiễn về chuyển đổi năng lượng đã chứng minh rằng việc phát triển điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro và amoniac để phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu là sự kết hợp khá hoàn hảo nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế quy mô để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên gió và sản xuất năng lượng, sản phẩm sạch hơn”, ông Nguyễn Đức Hiển chia sẻ.

Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi tốt với hệ số công suất cao và số giờ tải lớn. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội thảo, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cho rằng: Đây là một thời điểm tuyệt vời cho ngành điện gió Việt Nam. Điện gió trên bờ đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua với hơn 3,98 GW công suất được bổ sung trong năm 2021. Với con số ấn tượng trên, Việt Nam hiện là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, cũng như nhanh thứ hai tại châu Á nói chung. Trong khi đó, điện gió ngoài khơi đã sẵn sàng để trở thành một cột trụ quan trọng trong công cuộc chuyển dịch năng lượng quốc gia và chúng tôi cho rằng việc nhanh chóng phát triển nguồn điện tuyệt vời này là hết sức cấp thiết cho tham vọng giảm phát thải ròng của Việt Nam.  

“Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi tốt với hệ số công suất cao và số giờ tải lớn. Những tiến bộ công nghệ đạt được trong thời gian qua cũng đã tăng cường tính ổn định và dễ đoán định của điện gió ngoài khơi. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió hoàn toàn có thể trở thành nguồn chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu”, ông Ben Backwell khẳng định.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả và đại biểu từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới như: Tập đoàn Copenhagen Offshore Partner (Đan Mạch), Tập đoàn Mainstream (Ailen), Tập đoàn Orsted (Đan Mạch), Tập đoàn Enterprize Energy (Anh), Tập đoàn Macquarie (Úc), Tập đoàn Equior (Nauy)... còn cùng trao đổi về các nhóm chủ đề xoay quanh vấn đề phát triển điện ngoài khơi. Theo đó, các nhóm chủ đề chính là: cơ hội, khó khăn, thách thức trong việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; kinh nghiệm thu xếp tài chính cho các dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới; sự phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi trên thế giới và Việt Nam… Qua đó, đề xuất, kiến nghị những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, hiệu quả cho phát triển điện gió ngoài khơi giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy điện rác tại tỉnh Bắc Ninh

Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) vừa cam kết đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và chuyển hóa thành điện năng tại tỉnh Bắc Ninh.

Trong đó, một phần gói tài trợ tín dụng của IFC là một khoản vay ưu đãi trị giá 15 triệu USD trong khuôn khổ Chương trình tài chính hỗn hợp về khí hậu của IFC - Phần Lan, được thiết lập để hỗ trợ các dự án sáng tạo mang lại nhiều lợi ích về khí hậu và phát triển, đồng thời thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án thông minh về khí hậu ở các nước đang phát triển. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ tài chính cho dự án trong khuôn khổ Chương trình tài trợ cho các dự án mẫu theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong năm 2021.

Gói tài trợ sẽ cho phép các doanh nghiệp tư nhân Việt phối hợp với một công ty hàng đầu của Nhật Bản về xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải để xây dựng một nhà máy xử lý chất thải rắn và chuyển hóa thành điện năng hiện đại tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhà máy dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2024 và mỗi ngày sẽ đốt 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp, giúp cải thiện đáng kể năng lực xử lý rác thải hiện tại của tỉnh. 

IFC đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và chuyển hóa thành điện năng tại tỉnh Bắc Ninh

Theo IFC, hoạt động đốt chất thải tại nhà máy dự kiến sẽ tạo ra 91.872 MWh năng lượng sạch mỗi năm, ngăn ngừa được việc phát thải khoảng 600.000 tấn khí nhà kính trong 15 năm. Lượng điện sản xuất ra sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo cơ chế mua điện với giá ưu đãi FiT trong 20 năm.

Nhà máy được xây dựng sẽ áp dụng một công nghệ xử lý và tiêu hủy chất thải rắn lành mạnh với môi trường, góp phần tránh các vấn đề liên quan đến ô nhiễm đất và nước ngầm, đồng thời chuyển hóa thành điện năng hiện đại nhất Việt Nam.

Công nghệ xử lý chất thải tiên tiến sẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng quản lý chất thải của tỉnh Bắc Ninh, từ đó nâng cao điều kiện sống cho người dân địa phương và giảm thiểu rủi ro về sức khỏe. Đây là dự án có ý nghĩa khi Việt Nam đẩy mạnh nỗ lực hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Việc IFC tài trợ cho một công ty xử lý rác thải tư nhân sẽ góp phần tham gia cùng Chính phủ, thúc đẩy sự đầu tư của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng này của Việt Nam. Tận dụng chất thải như một nguồn tạo ra năng lượng sạch là giải pháp thông minh vừa giải quyết vấn đề chất thải hiện đang cấp bách của Việt Nam và hỗ trợ quốc gia chuyển đổi sang quỹ đạo tăng trưởng carbon thấp”.

Thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng

Mới đây, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo khoa học về “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam - cơ hội và thách thức” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo là một phần hoạt động của dự án “Một số nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả và bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” do GIZ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương thực hiện năm 2021, trong khuôn khổ dự án EVEF, do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) đồng tài trợ cho Chính phủ Việt Nam.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn dự án đã trình bày báo cáo kết quả tóm tắt của dự án và xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới, những kinh nghiệm thực tế của nước Đức; đại diện lãnh đạo các tập đoàn năng lượng Nhà nước: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trình bày tham luận về một số định hướng chuyển dịch cơ cấu năng lương của các Tập đoàn trong giai đoạn tới.

Ảnh minh họa

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung góp ý cho dự thảo báo cáo dự án, đồng thời thảo luận thêm về các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với tầm nhìn dài hạn về giảm thiểu phát thải carbon để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Qua đó, tổng hợp, đề xuất một số khuyến nghị khung chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam hiệu quả, bền vững gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin