|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 42/2021

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố khoản ngân sách 860.000 Đô la để tài trợ cho 3 dự án mới về năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

USAID tài trợ cho 3 dự án mới về năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Nguồn ngân sách mới này sẽ hỗ trợ những nỗ lực hiện tại của USAID nhằm giảm các chi phí giao dịch và rủi ro cho các nhà phát triển dự án nhằm khuyến khích gia tăng đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, một lĩnh vực được coi là động lực then chốt cho sự bền vững và tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, khoản ngân sách mới được công bố của USAID sẽ hỗ trợ các nhà máy điện gió trên bờ (công suất 350MW) tại Gia Lai của Công ty CP TSV và Asia Renewables. Hỗ trợ bao gồm thiết kế sơ đồ hệ thống máy phát tuabin gió tối ưu hóa, thực hiện đánh giá năng suất năng lượng xem có khả thi về mặt tài chính trước thi công, lập hồ sơ trước thi công và chuẩn bị hồ sơ thầu cần thiết cho thi công.

Thứ hai, khoản ngân sách của USAID hỗ trợ thử nghiệm công nghệ điện sóng biển ngoài lưới của Công ty INGINE Pacific trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Hỗ trợ bao gồm thực hiện đánh giá tác động xã hội và môi trường, giúp INGINE Pacific giảm tối đa nguy cơ bị gián đoạn khi triển khai dự án, tối ưu hóa hoạt động quản lý dự án để đạt hiệu quả cao hơn và tiết kiệm chi phí hơn, tối đa hóa lợi ích phát triển của địa phương, chẳng hạn như khuyến khích việc thực hành trách nhiệm công dân của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Cuối cùng, khoản ngân sách của USAID dành cho các nhà máy điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) tại Cà Mau (công suất 300MW) và Trà Vinh (công suất 200MW). Hỗ trợ bao gồm thực hiện những nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường và xã hội đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giúp Công ty CP BCG Energy (công ty thành viên của BCG) khi công ty này đang tìm kiếm các nguồn tài chính quốc tế.

Ngân sách tài trợ sẽ được cung cấp thông qua dự án INVEST - một sáng kiến toàn cầu của USAID với mục tiêu giúp giảm thiểu rào cản đối với các nhà đầu tư, qua đó tạo thuận lợi cho huy động và điều tiết dòng vốn tư nhân vào những lĩnh vực có tác động cao.

Thông qua dự án USAID INVEST, USAID mong muốn thúc đẩy gia tăng đầu tư quốc tế vào Việt Nam, nâng cao năng lực cho khu vực công và tư nhân để hợp tác cùng nhau nhằm cung cấp nguồn tài chính cho những ưu tiên phát triển của đất nước, trong đó giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua hỗ trợ quá trình Việt Nam chuyển đổi sang các hệ thống năng lượng sạch.

Đan Mạch tiếp tục tài trợ 10 triệu USD giúp Việt Nam xanh hóa ngành năng lượng

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An vừa ký kết một hiệp định mới, khởi động Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình DEPP III).

Đây là giai đoạn 3 của chương trình hợp tác dài hạn giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng được thiết lập vào năm 2013. Chương trình sẽ do Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp thực hiện với nguồn vốn tài trợ không hoàn lại là 60,3 triệu DKK (tương đương 10 triệu USD) dưới dạng hỗ trợ kỹ thuật của Đan Mạch.   

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An ký kết hiệp định khởi động Chương trình DEPP III

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ: “Quan hệ hợp tác đối tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Đan Mạch đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cũng như các lợi ích hữu hình cho cả hai quốc gia.

Việc triển khai Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 3 sẽ là một cơ hội tốt để Việt Nam tiếp cận với đội ngũ chuyên gia Đan Mạch và học hỏi kinh nghiệm của phía bạn về các chính sách phát triển năng lượng mang tính chiến lược, đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển đổi bền vững ngành năng lượng Việt Nam”.

Trong Chương trình DEPP III, các đối tác Đan Mạch và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch năng lượng, tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện và tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp. Phát triển điện gió ngoài khơi sẽ tiếp tục là một lĩnh vực trọng tâm trong Chương trình này.

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Đan Mạch là một phần trong cam kết của Đan Mạch thực hiện Thỏa thuận Paris thông qua việc hỗ trợ một số nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.   

Quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời

Hội thảo tham vấn về cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam” mới đây đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Hội thảo nhằm giới thiệu bản thảo của cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro kỹ thuật và vận hành của các dự án điện mặt trời mặt đất tại Việt Nam” qua đó thu thập ý kiến phản hồi, thẩm định, đánh giá từ các nhà hoạch định dự án, quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật trong ngành về nội dung, tính hữu ích của cuốn sổ tay trước khi hoàn thiện và xuất bản chính thức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng Việt Nam – EU (EVEF) do Liên minh châu Âu (EU) và CHLB Đức đồng tài trợ.

Chuyển dịch hướng tới một hệ thống năng lượng bền vững hơn

Tại hội thảo, đội ngũ phát triển nội dung của sổ tay đã giới thiệu đến các đại biểu cấu trúc và những nội dung chính được đề cập trong sổ tay, cũng như quá trình thu thập thông tin dữ liệu để hoàn thiện tài liệu này. Sổ tay hướng đến đối tượng độc giả chính là các nhà đầu tư, nhà thầu và chủ sở hữu nhà máy điện mặt trời, có thể sử dụng sổ tay như một tài liệu tham khảo, tra cứu trong quá trình xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro khi tiếp cận hoặc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất.

Đặc biệt, sổ tay tập trung vào các rủi ro kỹ thuật, vận hành của dự án điện điện mặt trời mặt đất, nêu bật những vấn đề quan trọng được quan sát, theo dõi lặp đi lặp lại liên tục trong các dự án ở Việt Nam và theo kinh nghiệm quốc tế. Qua đó giúp các bên liên quan tránh được rủi ro gây tốn kém chi phí phát sinh hình thành trong những dự án tương lai và cải thiện hiệu suất của các cơ sở đang hoạt động.

Cũng trong buổi hội thảo, đại biểu đã tham gia vào các phiên thảo luận về quy trình quản lý rủi ro kỹ thuật, vận hành; một số kinh nghiệm thực tế tại Việt Nam và trên thế giới về các rủi ro trong lĩnh vực điện mặt trời cùng khuyến nghị, giải pháp từ các bên liên quan để giảm thiểu những rủi ro này.

Phát biểu tại hội thảo, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác phát triển Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Tôi tin rằng cuốn sổ tay này đã được biên soạn vào đúng thời điểm, khi mà việc quản lý rủi ro ngày càng trở nên quan trọng nhằm tăng cường tự tin cho chủ đầu tư nhờ việc đảm bảo lợi nhuận, kiểm soát chi phí và tạo điều kiện tăng trưởng tốt hơn.

Các chuyên gia năng lượng và cán bộ dự án của GIZ đã tổng hợp rất nhiều kiến thức chuyên môn liên quan đến điện mặt trời ở từ các nước châu Âu trong cuốn sổ tay này. Liên minh châu Âu, bao gồm các quốc gia thành viên vẫn cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững”.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin