Bản tin năng lượng số 40/2021
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Vụ Dầu khí và Than) phối hợp với Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam hướng đến phát triển bền vững.
Chuyển dịch năng lượng hướng đến phát triển bền vững
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Tại hội thảo này, đề nghị các đại biểu thảo luận làm rõ một số vấn đề trọng tâm sau:
Thứ nhất, nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới và làm rõ được những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng.
Thứ hai, đánh giá và làm rõ tác động của chuyển dịch năng lượng đối với ngành công nghiệp dầu khí, công nghiệp than và các phân ngành năng lượng khác của Việt Nam.
Thứ ba, đề xuất định hướng và các cơ chế chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, tập trung vào các giải pháp chính, quan trọng như vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các cơ chế chính sách để giảm sâu phát thải khí CO2, chính sách phi carbon hóa...
Thứ tư, đề xuất và kiến nghị các giải pháp chính sách đối với ngành dầu khí để có thể xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế, năng lượng, công nghiệp tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Tập trung vào các giải pháp, chính sách đối với lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, chế biến dầu khí. Kiến nghị cụ thể về các cơ chế chính sách để ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước, vấn đề sửa đổi Luật Dầu khí, vấn đề cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tham gia đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi, cũng như các dự án năng lượng tái tạo khác...
Thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà theo hướng tự sử dụng là chính
Tại diễn đàn, chia sẻ về những đề xuất định hướng phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, về điện mặt trời: khống chế tỷ lệ điện mặt trời ở mức chấp nhận được (khoảng 20% công suất hệ thống) kết hợp với việc phát triển các nguồn linh hoạt như thủy điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong (internal combustion engine - ICE), pin lưu trữ… và nâng cao khả năng điều khiển hệ thống điện cho các Trung tâm Điều độ. Ưu tiên hơn phát triển điện mặt trời mái nhà với quy định tỷ lệ điện tự sử dụng tại chỗ (có thể là khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỷ lệ hợp lý khác), đấu nối vào lưới điện 35kV trở xuống mà không yêu cầu phải cải tạo nâng khả năng tải của lưới điện hiện hữu và các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước với điều kiện việc lắp đặt thiết bị trên mặt nước không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của công trình, hồ chứa, hoạt động nuôi trồng thủy hải sản.
Xây dựng chính sách hợp lý cho các dự án lưu trữ năng lượng theo hướng khuyến khích chủ đầu tư các dự án đầu tư hệ thống lưu trữ khi giá thành hệ lưu trữ phù hợp.
Bên cạnh đó, việc phát triển điện gió trên bờ cần được kiểm soát để tỷ lệ điện gió trên bờ và điện mặt trời ở mức hợp lý dựa trên khả năng hấp thụ và điều khiển của hệ thống điện quốc gia ở từng thời điểm, phù hợp với điều kiện kỹ thuật - vận hành để không ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống điện quốc gia và từng vùng.
Với các dự án điện gió ngoài khơi, chú trọng phát triển khi điều kiện kinh tế (chi phí đầu tư, vận hành - bảo dưỡng) và hệ thống hạ tầng lưới điện giải tỏa công suất được chuẩn bị sẵn sàng.
Về chính sách: tinh thần cơ bản là chủ đầu tư các dự án (trừ một số trường hợp đặc biệt quy định trong Luật) sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu, thực hiện sau bước phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư) và đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về giá mua bán điện theo khung giá do Bộ Công Thương ban hành. Trước khi đấu thầu thì quy mô công suất, thời điểm vận hành được lấy ý kiến của Bộ Công Thương, EVN nhằm kiểm soát tốt công suất hệ thống và phù hợp với tiến độ đầu tư lưới/nhu cầu phụ tải và khả năng giải tỏa công suất.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các diễn giả cũng đã trình bày tham luận về: chuyển dịch năng lượng và một số giải pháp công nghệ năng lượng điển hình; các thách thức về môi trường và thị trường hóa trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng ở Việt Nam; giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo để phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Các tham luận nhằm cung cấp thông tin, thảo luận, đánh giá về nhiều vấn đề quan trọng như nhận diện và dự báo xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới, làm rõ những vấn đề đặt ra đối với chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, trong đó có đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đến chuyển dịch năng lượng.
Hoa Kỳ tài trợ phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam
Ngày 15/10, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM công bố tài trợ 2,96 triệu Đô la cho Công ty AMI AC Renewables thực hiện dự án thí điểm phát triển hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam.
Bà Marie C. Damour, Đại biện lâm thời của Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng giám đốc Công ty AMI AC Renewables vừa ký kết thỏa thuận tài trợ bên lề Đối thoại an ninh Năng lượng Hoa Kỳ - Việt Nam.
Dự án sẽ sử dụng công nghệ và thiết bị hàng đầu của Hoa Kỳ nhằm cho thấy hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến có thể góp phần giảm tổn thất năng lượng và giúp Việt Nam tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn vào hệ thống năng lượng quốc gia. Dự án này sẽ được xây dựng và kết nối với nhà máy điện mặt trời với công suất 50MW của công ty AMI AC Renewables tại tỉnh Khánh Hòa.
Bà Damour phát biểu: “Chúng tôi rất vui được hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm mở rộng phát triển năng lượng tái tạo và giảm lệ thuộc vào than. Dự án này sẽ cho thấy công nghệ lưu trữ năng lượng hàng đầu của Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam đạt những mục tiêu trên và thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp lên nền kinh tế năng lượng sạch, có sức chống chịu cao hơn với biến đổi khí hậu”.
Ảnh minh họa
“Chúng tôi rất vui được Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tin tưởng hợp tác thí điểm thực hiện hệ thống pin lưu trữ năng lượng tại Việt Nam. Nhà máy điện mặt trời của chúng tôi ở tỉnh Khánh Hòa là một địa điểm lý tưởng để minh chứng lưu trữ năng lượng có thể giúp Việt Nam khai thác hết tiềm năng về năng lượng tái tạo”, ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng giám đốc Công ty AMI AC Renewables nói.
Ông Patrice Clausse, Giám đốc điều hành Công ty AC Energy International kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty AMI AC Renewables chia sẻ: “Lưu trữ năng lượng là chìa khóa giúp mở rộng cánh cửa khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo và là một thành tố quan trọng trong tiến trình chuyển tiếp năng lượng. Chúng tôi rất hào hứng với những cơ hội trước mắt giúp chúng tôi có tận dụng công nghệ này và cùng với AMI, chúng tôi hướng đến việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển bền vững”.
Dự án này được hình thành tiếp sau nghiên cứu về tính khả thi trong việc sử dụng công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam do Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) tài trợ
EVN: Công nhận COD các dự án nhà máy điện gió theo đúng hợp đồng mua bán điện đã ký
EVN vừa có văn bản số 6302/EVN-TTĐ ngày 14/10/2021 gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC) và Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) về việc công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và vận hành các dự án nhà máy điện gió.
Theo đó, EVN yêu cầu EVNEPTC thực hiện công nhận COD các dự án nhà máy điện gió theo đúng các điều kiện tại hợp đồng mua bán điện (PPA) đã ký.
EVN tiếp tục thông tin về việc COD và vận hành các dự án điện gió
Đối với các dự án chưa có “văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”, EVN ủy quyền Giám đốc EVNEPTC thực hiện đàm phán hợp đồng sửa đổi bổ sung theo quy định trong đó bổ sung cam kết của bên bán điện như sau: "Bên bán điện cam kết tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình (bao gồm cả việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Trường hợp, cơ quan nhà nước có thấm quyền có ý kiến về việc bên bán điện chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, bên mua điện có quyền từ chối công nhận hoặc hủy bỏ công nhận ngày vận hành thương mại, ngừng mua điện và yêu cầu bên bán điện hoàn trả toàn bộ tiền điện mà bên mua điện đã thanh toán cho bên bán điện tính từ ngày vận hành thương mại, bao gồm cả tiền lãi (nếu có).
Bên bán điện cam kết thực hiện theo ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoàn trả bên mua điện toàn bộ tiền điện mà bên mua điện đã thanh toán cho bên bán điện tính từ ngày vận hành thương mại, bao gồm cả tiền lãi (nếu có). Bên bán điện cam kết tuân thủ, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nếu xảy ra trường hợp nêu trên". Đối với các hợp đồng sửa đổi bổ sung chỉ bổ sung cam kết của bên bán điện như đã nêu trên, EVN giao EVNEPTC đàm phán, ký kết và thục hiện.
Đối với EVNNLDC, EVN yêu cầu chỉ đưa dự án nhà máy điện gió vào vận hành sau khi: đã được công nhận COD và có “văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”.
Văn bản này thay thế văn bản số 5375/EVN-TTĐ ngày 1/9/2021 của EVN về bổ sung hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại nhà máy điện gió.
Ngân Hà