Bản tin năng lượng số 33/2023
Tại khóa họp lần thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị phía Anh tăng cường hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống điện, thị trường điện…
Đề nghị Vương quốc Anh tăng cường hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), ngày 24/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức khóa họp lần thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh (JETCO13).
Khóa họp lần thứ 13 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương quốc Anh. (Ảnh: moit.gov.vn)
Phát biểu tại khóa họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, về năng lượng, với sự thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ của Vương quốc Anh sau COP26 do Vương quốc Anh làm Chủ tịch, Việt Nam đã đưa ra được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cùng lộ trình, định hướng mạnh mẽ để đạt được mục tiêu này. Đặc biệt hơn, sau đó Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của Vương quốc Anh cùng các nước với chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Việt Nam đã chia sẻ với phía Anh thông tin về tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII cũng như một số thông tin hướng dẫn về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Phía Việt Nam cũng cám ơn Vương quốc Anh đã hỗ trợ Việt Nam trong cơ chế Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), đồng thời đề nghị phía Anh tăng cường hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nâng cao năng lực quản lý, vận hành hệ thống điện, thị trường điện…
Phát biểu tại cuối phiên họp, Quốc vụ khanh Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh Nigel Huddleston khẳng định, những vấn đề đã được trao đổi tại JETCO 13 sẽ được cấp kỹ thuật hai bên tiếp tục triển khai.
Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ, nỗ lực giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề đã thảo luận tại khóa họp này, góp phần đưa quan hệ giữa hai nước được đẩy lên thêm tầm cao mới.
Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Canada hợp tác phát triển năng lượng sạch
Mới đây, tại TPHCM, Tổng Lãnh sự quán Canada tại TPHCM phối hợp với Hội đồng kinh doanh Canada - ASEAN và Bộ Ngoại giao tổ chức Diễn đàn hợp tác năng lượng sạch Canada - Việt Nam.
Diễn đàn nhằm kết nối khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam và Canada về hợp tác trong phát triển năng lượng sạch. Qua đó, Canada có thể đóng góp cho JETP (Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng) giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050.
Diễn đàn cũng là nơi chia sẻ câu chuyện năng lượng của Canada; cách thức Canada đang thực hiện hướng tới mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050; đồng thời đưa ra những khuyến nghị có thể phù hợp với môi trường Việt Nam trong ngắn, trung và dài hạn. Diễn đàn có sự tham gia của các hãng công nghệ sạch và các tổ chức tài chính quan tâm tới đầu tư vào dự án xanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo và đại diện 16 tỉnh/thành phố trung ương của Việt Nam gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lào Cai, Long An, Quảng Ngãi, Trà Vinh, TPHCM.
Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Canada hợp tác phát triển năng lượng sạch
Phát biểu tại diễn đàn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải là xu thế tất yếu mà mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, không thể đứng ngoài cuộc. Là một quốc gia đang phát triển và là một nền kinh tế đang chuyển đổi, với xuất phát điểm thấp và kinh nghiệm hạn chế, để đạt được mục đích trung hòa carbon, Việt Nam cho rằng hiện nay việc hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là hướng tới quan hệ đối tác toàn diện - đa phương mang tính cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Tổng Lãnh sự quán Canada tại TPHCM cho biết, theo Thỏa thuận JETP mà Việt Nam ký kết với các nước G7, Canada sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 - 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.
Các đối tác quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trong khuôn khổ công tác tham dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng APEC lần thứ 13 (EMM 13), bên lề các hoạt động chính thức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có cuộc tiếp xúc song phương với các đối tác bao gồm: ông Tan See Leng, Bộ trưởng Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore; bà Laura Lochman, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ và bà Melanie Nakagawa, Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft.
Chia sẻ với các đối tác, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh việc Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng luôn hoan nghênh, khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng và nguyên nhiên liệu tại Việt Nam. Một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo gồm:
Hợp tác trong nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ năng lượng, đặc biệt là công nghệ sản xuất điện năng quy mô lớn từ các nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydrogen, ammoniac, công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến, công nghệ hấp thụ và lưu trữ CO2…
Phát triển lưới điện thông minh. Hiện đại hóa hệ thống điều độ hệ thống điện, điều hành thị trường điện nhằm tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo.
Các giải pháp công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tiếp bà Laura Lochman, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và dự kiến đến cuối tháng 8 năm 2023, Bộ sẽ trình Chính phủ thông qua Kế hoạch này.
Bên cạnh những nội dung liên quan đến Quy hoạch điện VIII, tại các cuộc gặp song phương lần này, các đối tác cũng bày tỏ sự quan tâm đối với dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, quá trình nghiên cứu, xây dựng cơ chế DPPA được dựa trên cơ sở báo cáo của tư vấn quốc tế kết hợp với việc rà soát đáp ứng các tiêu chí: vừa đảm bảo tính khả thi về mặt vận hành hệ thống điện vừa phù hợp với thiết kế của thị trường điện tại Việt Nam, đồng thời đồng bộ với Luật Giá (sửa đổi) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 19/6/2023. Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục tham vấn trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài nhằm sớm hoàn thiện việc xây dựng cơ chế DPPA, góp phần thu hút vốn đầu tư vào việc phát triển năng lượng tái tạo.
Ngân Hà