|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 33/2022

Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam thông qua Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI), đặc biệt là việc giới thiệu và sử dụng nhiên liệu không phát thải như amoniac, hydrogen, sinh khối...

Nhật Bản sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) Nishimura Yasutoshi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã vừa dẫn đầu đoàn công tác gồm các Bộ, ngành, doanh nghiệp tới Tokyo, Nhật Bản để chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng.

Tại kỳ họp lần thứ năm của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những thành tựu quan trọng đạt được kể từ kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ tư vào tháng 8 năm 2020. 

Hai Bộ trưởng tái khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế Ủy ban hỗn hợp trong việc tháo gỡ các khó khăn trong kinh doanh; đảm bảo sự ổn định và liên tục của tăng trưởng thương mại và đầu tư trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức như dịch COVID-19, xung đột, căng thẳng địa chính trị, lạm phát và giá năng lượng tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Kỳ họp lần thứ năm của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng. (Ảnh: moit.gov.vn)

Trên cơ sở đó, hai Bộ trưởng khẳng định phương hướng hợp tác song phương trong thời gian tới về công nghiệp, thương mại và năng lượng giữa Việt Nam – Nhật Bản.

Theo đó, trong lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi đã giới thiệu tóm tắt với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về "Tài liệu khái niệm Cộng đồng châu Á không phát thải carbon" và thông báo rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của Việt Nam thông qua Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng châu Á (AETI), đặc biệt là việc giới thiệu và sử dụng nhiên liệu không phát thải như amoniac, hydrogen, sinh khối.

Để cụ thể hóa lộ trình trung hòa carbon của Việt Nam và để xác nhận các dự án hỗ trợ của Nhật Bản trong khuôn khổ AETI cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, hai Bộ trưởng nhất trí đàm phán hướng tới ký kết trong năm 2022 bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về hợp tác chuyển đổi năng lượng. 

Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh hỗ trợ của Nhật Bản nói riêng và các đối tác phát triển nói chung cần giúp Việt Nam vừa thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng nhưng đồng thời giữ ổn định giá điện ở mức hợp lý để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân và nền kinh tế.

Cuối cùng, hai Bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung và danh mục hợp tác của kỳ họp; đồng thời chỉ đạo cán bộ của hai Bộ thảo luận và hoàn thiện sớm kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác cụ thể mà hai Bộ trưởng đã thống nhất.

Doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư điện gió ngoài khơi tại Quảng Ninh

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn làm việc với Tập đoàn BP (Anh Quốc) và Công ty CP Tập đoàn SOVICO (Việt Nam) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Cụ thể, Tập đoàn BP và SOVICO đề xuất đầu tư một dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Quảng Ninh. Công suất dự án ước tính khoảng 3GW và sản lượng năng lượng dự kiến phát lên lưới điện miền Bắc trong khoảng từ 8 đến 10 TWh/năm. Dự án sẽ được phát triển theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đầu từ năm 2027 đến năm 2030 với công suất 500MW; giai đoạn hai, giai đoạn ba với tổng công suất 2,5GW từ năm 2030 đến 2035.

Tập đoàn BP và SOVICO kỳ vọng thông qua dự án điện gió ngoài khơi sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo cho an ninh năng lượng quốc gia, hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh với đoàn công tác của Tập đoàn BP và SOVICO

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, với mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh, đồng thời thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tiến tới phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tăng cường huy động các nguồn lực, kêu gọi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, từ đó nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ngoài dự án nhà máy điện khí LNG đã được đầu tư tại TP Cẩm Phả với công suất 1.500MW, hiện đang có nhiều nhà đầu tư tới tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió tại Quảng Ninh. Bởi Quảng Ninh có 250km đường biển cùng hệ thống hạ tầng đấu nối, truyền tải điện tốt.

Ông Nguyễn Tường Văn giao các sở, ngành liên quan phối hợp, đồng hành cùng nhà đầu tư để thúc đẩy các ý tưởng trở thành những đề xuất, dự án cụ thể liên quan đến nhà máy điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.

Chia sẻ kinh nghiệm về vận hành các nguồn điện phân tán

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đã vừa phối hợp chủ trì hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về vận hành các nguồn điện phân tán giữa các đơn vị điều độ truyền tải và điều độ phân phối tại Việt Nam” tại tỉnh Gia Lai. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (CIRTS). Dự án do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ.

Hội thảo có sự tham dự của 60 đại biểu là đại điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Trung tâm Điều độ của các Tổng công ty Điện lực, Phòng điều độ của các công ty điện lực tỉnh.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: GIZ)

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về thực trạng tích hợp nguồn điện phân tán, các thách thức trong việc vận hành lưới điện với tỉ lệ cao các nguồn năng lượng tái tạo, các công cụ quản lí, dự báo điện mặt trời mái nhà và việc hợp tác giữa đơn vị điều độ truyền tải và điều độ phân phối (TSO - DSO) trong việc vận hành hệ thống điện tại Việt Nam.

Song song với đó, các chuyên gia tư vấn quốc tế do GIZ điều phối đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chiến lược hợp tác giữa đơn vị điều độ truyền tải và điều độ phân phối, những cơ hội cũng như thách thức mà đơn vị vận hành lưới điện phải đối mặt khi nguồn điện phân tán gia tăng. 

Các chuyên gia cũng phân tích vai trò và trách nhiệm của đơn vị điều độ truyền tải và điều độ phân phối trong việc ứng dụng điều khiển và giám sát, sự thay đổi trong vai trò của đơn vị điều độ phân phối khi nguồn phát điện phân tán tăng trưởng nhanh và chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống quản lý nguồn năng lượng tái tạo (DERMS), giải pháp nhà máy điện ảo (VPP) và các công cụ dự báo.  

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin