|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 32/2023

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Văn bản 745/TTg-CN yêu cầu bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Thủ tướng chỉ đạo triển khai hàng loạt giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện

Văn bản nêu rõ: Để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch; chỉ đạo vận hành ổn định và khắc phục nhanh các sự cố đối với các nguồn điện.

Theo đó, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi, tối ưu tổng thể.

Bộ Công Thương cần nghiên cứu, hoàn thiện, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp

Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo; hướng dẫn, khuyến khích, sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ Công Thương cũng được giao chủ trì nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, chế tài xử lý các dự án chậm tiến độ để bảo đảm cung ứng điện, giữ vững an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu điện do chậm tiến độ các dự án nguồn và lưới điện. Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đối với cơ chế điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương xem xét sự phù hợp về đối tượng áp dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại theo ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan.

Khẩn trương báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 năm 2023 về đề nghị xây dựng Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, trong đó có các quy định về cơ chế, chính sách mua bán điện (kể cả mua bán điện trực tiếp) đối với năng lượng tái tạo.

Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, vận hành… của ngành điện theo cơ chế thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả…

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng xanh

Mới đây, tại tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và các địa phương, đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng xanh và các ngành công nghiệp trọng điểm gắn với các trung tâm logistics, cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng xanh

Theo đó, các địa phương trong vùng cần khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (nhất là điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng và điện mặt trời) phù hợp với Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà theo phương thức tự sản, tự tiêu. Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng, bảo đảm cung cấp điện tin cậy, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.

Đồng thời, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ nguồn điện và nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, chú trọng phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Thúc đẩy mạnh mẽ việc thăm dò, khai thác các mỏ khí trong vùng, góp phần tạo nguồn nhiên liệu khí tự nhiên phục vụ cho các nhà máy điện khí. Chú trọng thu hút đầu tư hình thành, phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng ở những khu vực có lợi thế nhằm tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất, chế tạo và các dịch vụ phụ trợ; kết hợp các loại hình năng lượng tái tạo để sản xuất hydro, ammoniac xanh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng carbon... để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có trong nước, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện năng từ năng lượng tái tạo…

Khởi động dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp

Mới đây, hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) cùng các đối tác tổ chức.

Dự án được thực hiện thí điểm trong hai năm (2023 – 2025) cho hai ngành công nghiệp phụ trợ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) còn khá mới và chưa được nhiều doanh nghiệp sản xuất tiếp cận. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, điều phối dự án, Ban quản lý dự án – VCCI, mục tiêu tổng thể nhằm nâng cao nhận thức trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho các khoản đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, kết nối mạng lưới giữa các nhà sản xuất, nhà tài chính cùng các ESCO, thí điểm đánh giá chuẩn năng lượng hiệu quả cho hai ngành, xây dựng lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO tại Việt Nam.

Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp

Mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa thông qua sự kết hợp của hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực về năng lượng hiệu quả, đào tạo về chuẩn bị đề xuất cho các dự án hiệu quả năng lượng khả thi về mặt tài chính. Dự án này sẽ giúp sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, thực hành chuỗi cung ứng sản xuất có trách nhiệm, cải thiện điều kiện xã hội và môi trường, đồng thời giảm lượng khí thải carbon trong hai ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hỗ trợ 100 nhà sản xuất trong hai ngành nhằm nâng cao nhận thức và cải thiện các phương thức quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hỗ trợ 10 nhà máy phát triển các dự án hiệu quả năng lượng khả thi; 3 nhà máy tiếp cận doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu suất năng lượng. Đồng thời, thiết lập một mạng lưới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (bao gồm các nhà sản xuất, ESCO, các tổ chức tài chính và các bên liên quan). Tham vấn lộ trình thành lập Hiệp hội ESCO và thí điểm công cụ đo điểm chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin