Bản tin năng lượng số 31/2023
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP
Tuyên bố JETP đã được thông qua ngày 14/12/2022. Việt Nam là nước thứ ba, sau Nam Phi và Indonesia thông qua Tuyên bố JETP với các nước trong và ngoài G7.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Tuyên bố JETP là nỗ lực chung của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy, sau hơn một năm đàm phán.
Thông qua JETP, Việt Nam mong muốn sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện.
Cùng với đó, Việt Nam cũng phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ và sử dụng cácbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.
Thu hút đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện
Tham gia tuyên bố, các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam, trong đó có 7,75 tỷ USD do Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại.
Ngoài ra, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.
Số tiền cho giai đoạn tiếp theo có thể cao hơn nếu Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế.
Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP ở Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Trao đổi tháo gỡ vướng mắc trong phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà
Mới đây, tại TPHCM, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp tổ chức hội thảo “Trao đổi tháo gỡ vướng mắc trong quá trình phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà”.
Hội thảo đã tập trung vào việc phân tích và thảo luận thực trạng phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam, các thách thức hiện tại liên quan đến quản lý an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn trong thi công lắp đặt và các quy định về môi trường đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ: Bộ Công Thương đã và đang soạn thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở và cơ quan công sở, tôi hy vọng quyết định này sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua còn tồn tại một số bất cập. Hội thảo hôm nay nhằm chia sẻ vướng mắc trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy loại hình này trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
Về phía GIZ, ông Sven Ernedal, đồng Giám đốc dự án Điện mặt trời mái nhà trong ngành công nghiệp và thương mại (CIRTS) cho biết: Chúng tôi sẽ đề xuất việc thành lập một kênh đối thoại, trao đổi chính sách về năng lượng mặt trời trong khuôn khổ JETP để kết nối các tổ chức, cơ quan chủ chốt trong lĩnh vực này. Tôi hy vọng hội thảo hôm nay sẽ tạo tiền đề cho những thảo luận tích cực về các phương pháp tiếp cận thích hợp để tận dụng các lợi ích của việc mở rộng phát triển năng lượng mặt trời từ nay đến năm 2030 tại Việt Nam.
Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy tiến độ các dự án điện khí LNG
Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh/thành phố có dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương, nhà đầu tư cần phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực và Bộ Công Thương về việc triển khai các dự án điện khí LNG trên địa bàn thuộc Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện trong Quy hoạch điện VIII, quyết tâm bảo đảm tiến độ được giao.
Đối với các dự án đã có chủ đầu tư, Bộ trưởng đề nghị các địa phương chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để lập tiến độ thực hiện dự án với các nội dung công việc cụ thể, mốc thời gian hoàn thành và ký cam kết thực hiện đúng tiến độ đó để làm căn cứ cho các cơ quan chức năng đôn đốc, giám sát, kiểm tra và xem xét xử lý trách nhiệm nếu không bảo đảm tiến độ theo quy định.
Tiếp tục thúc đẩy tiến độ các dự án điện khí LNG
Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung dự án vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương (nếu cần) để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định, hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/8/2023.
Khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết, đảm bảo lựa chọn chủ đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để triển khai thực hiện dự án, cũng như phối hợp triển khai đầu tư xây dựng các hạ tầng liên quan, muộn nhất trong tháng 10/2023 các địa phương cần hoàn thành việc lựa chọn các nhà đầu tư dự án theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương, chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định và thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi chủ đầu tư trình đủ hồ sơ dự án theo quy định…
Ngân Hà