|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 25/2023

Phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến gắn liền với bảo vệ môi trường đang là xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hướng tới xây dựng một nền kinh tế "xanh" và hiện đại.

Phát triển công nghệ năng lượng tiên tiến gắn liền với bảo vệ môi trường

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn Công nghệ năng lượng và môi trường 2023. Diễn đàn nhằm phổ biến và thực hiện hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, chuyển giao, phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và môi trường; cập nhật xu hướng công nghệ năng lượng và môi trường mới hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường trong bối cảnh mới.

Diễn đàn Công nghệ năng lượng và môi trường 2023

Diễn đàn gồm 2 phiên: phiên tham luận và phiên tọa đàm. Tại phiên tham luận, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có bài trình bày về một số nội dung liên quan tới xu hướng công nghệ mới; khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ năng lượng và môi trường.

Theo đó, các chuyên gia tham gia diễn đàn đề xuất, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hình thành và phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo, tạo sự bình đẳng trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ năng lượng tái tạo.

Tại phiên tọa đàm, đại diện Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng như một số doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận xoay quanh chủ đề chính sách khoa học và công nghệ cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng, môi trường; chính sách phát triển năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng; định hướng đầu tư và phát triển năng lượng - môi trường của thành phố Hà Nội…

Hà Nội đôn đốc tiến độ hoàn thành các dự án điện rác trên địa bàn

Một trong những nội dung được thảo luận, xem xét tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2023 vào ngày 29/6 là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, thời gian qua, các cấp chính quyền đã sát sao hơn trong việc quản lý, giám sát, thanh kiểm tra duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn; triển khai cơ giới hóa trong công tác thu gom vận chuyển. Thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm cải tạo hạ tầng các khu xử lý đáp ứng hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận đảm bảo an toàn chôn lấp rác, xử lý nước rác; đôn đốc tiến độ hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại, đốt và thu hồi năng lượng để phát điện (Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã được cấp phép cho giai đoạn 1, 2 với công suất tiếp nhận rác, xử lý đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn/ngày).

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, còn một số hạn chế như việc điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn Thủ đô tích hợp trong quy hoạch chung còn chậm; chưa đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng với phương thức thu gom như: phương tiện thu gom phù hợp với đổi mới công nghệ; cần thêm các trạm trung chuyển để tái chế, phân loại và xử lý rác thải. Việc kêu gọi và đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện cần đáp ứng được tiến độ và chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt rác có thu hồi năng lượng phát điện, giảm thiểu quãng đường vận chuyển rác đảm bảo theo phân vùng trong quy hoạch.

Dó đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá lại năng lực của các nhà đầu tư đã được cấp chủ trương dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thành phố nhưng chưa triển khai, thực hiện thu hồi đối với các nhà đầu tư không đủ năng lực.

Tiếp tục đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư Nhà máy điện rác Sóc Sơn chính thức hoàn thành giai đoạn 3, nâng công suất tiếp nhận từ 3.000 tấn/ngày lên 4.000 tấn/ngày; đẩy mạnh tiến độ thi công Nhà máy điện rác Seraphin, hoàn thành tiếp nhận rác vào quý I/2024; khởi công xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Núi Thoong vào quý IV/2023.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp

Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba) mới đây đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ứng dụng điện mặt trời trong sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các doanh nghiệp đều nêu lên tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất công nghiệp, nhất là sau đợt cắt điện luân phiên tại các địa phương miền Bắc, trong đó có Hà Nội thời gian qua.

Việc ứng dụng điện mặt trời mái nhà trong sản xuất công nghiệp tạo cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Theo các doanh nghiệp, việc trông đợi vào nguồn năng lượng điện sản xuất truyền thống từ thủy điện và nhiệt điện không chỉ khiến doanh nghiệp khó đáp ứng tiêu chuẩn về năng lượng xanh từ đối tác quốc tế, mà nếu xảy ra sự cố thiếu điện thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, thời gian sản xuất và tiến độ giao hàng.

Do vậy, các chuyên gia đề nghị các doanh nghiệp nên xoay chuyển theo hướng bổ sung nguồn năng lượng từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió; trong đó, năng lượng điện mặt trời hiện đang được quan tâm nhiều nhất bởi yếu tố thuận lợi, dễ triển khai lắp đặt ngay trên máy nhà xưởng, nhà để xe, đất trống trong các khu công nghiệp. Hơn nữa, điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nên được đánh giá là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện, nhất là trong những nhà xưởng sử dụng nhiều điện như lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam. Dự thảo quyết định đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà như: các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin