|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 24/2023

Tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) vừa phối hợp tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) theo cơ chế tự sản tự tiêu không bán lên lưới (zero export).

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển điện mặt trời mái nhà

Tính đến nay, Việt Nam đã phát triển được 103.720 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất khoảng 9.602 MWp, chiếm khoảng 10% công suất đặt của hệ thống điện quốc gia. Các dự án năng lượng tái tạo nói chung và ĐTMMN nói riêng đã đóng góp tích cực, bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện Việt Nam thời gian qua.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Đồng thời, Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo cũng khuyến khích phát triển ĐMTMN tự dùng cho các cơ quan công sở, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp.

Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, trong bối cảnh hệ thống điện đang gặp khó khăn về nguồn cung đặc biệt là khu vực phía Bắc thì việc tiếp tục phát triển ĐMTMN là hết sức cần thiết. EVN cũng đã có các văn bản kiến nghị tới Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN không phát điện lên lưới.

Ông Võ Quang Lâm bày tỏ mong muốn sẽ được chia sẻ, trao đổi nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu của Đức, cũng như các quốc gia khác trong việc xây dựng chính sách, vận hành và điều độ hệ thống ĐMTMN.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận chuyên sâu về một số vấn đề như: bài học phát triển ĐMTMN trên thế giới, kinh nghiệm tính toán khung giá ĐMTMN, các chính sách phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu…

Ông Nathan Moore, Giám đốc dự án ĐMTMN trong ngành thương mại và công nghiệp, GIZ khẳng định, GIZ sẵn sàng hỗ trợ EVN cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong việc đưa ra các khuyến nghị phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển ĐMTMN trong thời gian tới.

Đề xuất bổ sung dự án điện gió Cần Giờ vào Quy hoạch điện lực quốc gia

Sở Công Thương TPHCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TPHCM bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ 6.000MW vào danh mục dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong Quy hoạch điện lực quốc gia.

Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ do liên doanh các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đề xuất. Dự án được đặt ngoài khơi Nam Biển Đông, tổng diện tích khảo sát khoảng 325.123 ha. Khu vực đất liền của dự án đặt tại khu công nghiệp Hiệp Phước (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) với diện tích dự kiến khoảng 8 ha.

Công trình có tổng công suất lắp đặt 6.000 MW, tổng vốn đầu tư ước tính gần 400 nghìn tỷ đồng (gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng), chia làm 4 giai đoạn đầu tư. Nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ sẽ cấp điện đấu nối vào lưới điện quốc gia 500kV, điểm đấu nối tại trạm Đa Phước.

Ảnh minh họa

Theo Sở Công Thương TPHCM, mỗi năm, TPHCM tiêu thụ 25 tỷ MW điện (10% cả nước) nhưng nguồn lấy từ Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và khu vực xung quanh nên địa phương không chủ động được nguồn cung.

Đối với dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, Sở đã gửi văn bản tới các đơn vị, sở ngành để cùng góp ý. Đến nay, Sở Công Thương đã nhận được đầy đủ văn bản góp ý của các đơn vị.

Sau khi lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Sở Công Thương kiến nghị UBND TPHCM có văn bản đề nghị chủ đầu tư liên hệ Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thủ tục khảo sát, đề xuất bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VIII.

Bàn giải pháp phát triển dự án hydro xanh ở Bến Tre và Trà Vinh

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh về việc triển khai dự án nhà máy xuất hydro xanh.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, cùng với xu thế của thế giới, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế để sản xuất hydro xanh, đặc biệt là hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre. Việc triển khai các dự án sản xuất hydro xanh tại Việt Nam sẽ góp phần nâng vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới, tiềm năng xuất khẩu sản phẩm là rất lớn khi các nước phát triển đang thực hiện nhiều nỗ lực chuyển đổi để hướng tới phát thải ròng về 0.

Bộ Công Thương làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh về triển khai dự án sản xuất hydro xanh tại Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai tỉnh cần có báo cáo đề xuất với Chính phủ về dự án này. Ngoài ra, hai địa phương cần nghiên cứu Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh mình. Phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá tiềm năng phát triển, đầu tư các dự án điện tái tạo ở hai địa phương, từ đó làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư có hiệu quả. Đây là dự án có tính tiên phong vì vậy cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ tính khả thi của dự án, xây dựng giải pháp cụ thể về nguồn cung cấp nhiên liệu đầu vào và phương án vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nên xem xét khả năng phát triển những sản phẩm đồng hành khác để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường một cách linh hoạt. Trong quá trình thực hiện, đề nghị nhà đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn hóa chất, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin