|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 14/2022

Việt Nam và Đức hợp tác phát triển điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp, Nhóm công tác kỹ thuật về Năng lượng tái tạo của Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) tổ chức phiên họp đầu tiên trong giai đoạn mới là một số tin tức nổi bật của lĩnh vực năng lượng trong tuần vừa qua.

Hợp tác phát triển điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp

Buổi giới thiệu dự án “Điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp” (CIRTS) vừa diễn ra tại TPHCM.

Dự án do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương phối hợp triển khai nhằm hỗ trợ các đối tác Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Dự án cũng thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực của các đối tác và thúc đẩy hợp tác công nghệ nhằm cải thiện các điều kiện cho sự phát triển bền vững của thị trường điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. 

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 9/2021, hơn 100.000 hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà đã được lắp đặt và vận hành với tổng công suất gần 10 GW, chiếm hơn 10% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam. 

Việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà để tự tiêu thụ trong ngành công nghiệp và thương mại có nhiều tiềm năng

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến việc phát triển điện mặt trời mái nhà do sự linh hoạt về thời gian lắp đặt và các lựa chọn về vốn đầu tư. Việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà để tự tiêu thụ trong ngành công nghiệp và thương mại cũng có nhiều tiềm năng hơn xét từ góc độ kinh doanh, kể từ khi giá điện ở Việt Nam tăng trung bình 8% tính đến tháng 3/2019.

Dự án CIRTS được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ. Dự án do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện từ nay đến tháng 2/2025.

Tại buổi giới thiệu dự án, ông Nathan Moore, Giám đốc dự án CIRTS cho biết: “Điện mặt trời mái nhà sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện cam kết COP26 của Việt Nam. Dự án của GIZ luôn sẵn sàng hỗ trợ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cải thiện các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, thương mại và khuôn khổ pháp lý khi điện mặt trời mái nhà đang phát triển nhanh chóng. Thông qua việc hợp tác với các đối tác phát triển và các đơn vị có liên quan, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật với mong muốn thúc đẩy sự phát triển bền vững và quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”.

Hỗ trợ phát triển các giải pháp năng lượng đô thị xanh

Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã vừa phát động vòng 3 chương trình thách thức đổi mới sáng tạo “Người kiến tạo năng lượng tương lai”. Thông qua chương trình, các tổ chức tham gia có cơ hội nhận tài trợ lên đến 100.000 USD mỗi đề án để thí điểm/trình diễn giải pháp, tiến đến nhân rộng hoặc ứng dụng thương mại.

Dự án năng lượng xanh đô thị có cơ hội nhận tài trợ đến 100.000 USD khi tham gia chương trình thách thức đổi mới sáng tạo “Người kiến tạo năng lượng tương lai”

Để đảm bảo một tương lai bền vững cho các đô thị Việt Nam, việc phát triển các giải pháp năng lượng đô thị xanh là rất quan trọng. Năng lượng tái tạo và các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả nếu được áp dụng rộng rãi sẽ có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cũng như môi trường trong lành và chất lượng cuộc sống được cải thiện cho người dân thành phố.

Bà Christine Gandomi, quyền Trưởng phòng Năng lượng, Môi trường và Khí hậu USAID cho biết: “Chương trình thách thức đổi mới sáng tạo “Người kiến tạo năng lượng tương lai” sẽ hỗ trợ các đơn vị, tổ chức có ý tưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng phân tán tiên tiến. Đây là cơ sở để chúng tôi phối hợp cùng chính quyền TP Đà Nẵng, TPHCM trong việc thúc đẩy lĩnh vực năng lượng sạch, thu hút đầu tư xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương. Nỗ lực này cũng góp phần hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam thành nước có mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Chương trình hướng tới tài trợ cho hơn 20 dự án thí điểm và trình diễn sản phẩm, mô hình kinh doanh hoặc mô hình tài chính mới cho hệ thống năng lượng đô thị phân tán, tiên tiến.

Các tổ chức đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức do phụ nữ lãnh đạo (bao gồm các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, tổ chức tư nhân vì lợi nhuận, đơn vị cung cấp/phát triển công nghệ và cơ sở đào tạo trong nước và của Hoa Kỳ) có ý tưởng đột phá thuộc các lĩnh vực giao thông vận tải, hiệu quả sử dụng điện tại các tòa nhà, phát điện, cung cấp và quản lý điện, hiệu quả sử dụng nước được khuyến khích đăng ký.

Dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam là một dự án được thực hiện trong 4 năm (2019 - 2023) do USAID tài trợ với kinh phí 14 triệu USD, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam ở các cấp nhằm cải thiện khung hỗ trợ, huy động vốn đầu tư và thúc đẩy áp dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng phân tán, tiên tiến.

Dự án sẽ góp phần giúp giải quyết nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam và vấn đề ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị thông qua phối hợp với chính quyền các thành phố và tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Nhận diện thách thức và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Phiên họp đầu tiên của Nhóm công tác kỹ thuật về Năng lượng tái tạo của Nhóm đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) trong giai đoạn mới vừa diễn ra tại Phan Rang, Ninh Thuận trong 2 ngày 14 và 15/4 do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ hỗ trợ tổ chức.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của gần 150 đại biểu. Phiên họp có mục tiêu nâng cao vai trò của cơ quan quản lý địa phương và khu vực tư nhân trong VEPG cũng như giúp các đối tác tham gia có thể nắm bắt, đánh giá được tác động và hiệu quả của các cơ chế, chính sách áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo.

Tại phiên họp, nhóm công tác đã thảo luận về những thách thức và cơ hội phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cũng như cập nhật các cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, định tầm nhìn tới 2045 (Quy hoạch điện VIII). Các đại biểu cũng nhìn lại năm 2021, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành điện Việt Nam, đồng thời nhận định vai trò và sự đóng góp của năng lượng tái tạo cho phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Các chủ đề trọng tâm và kế hoạch hoạt động cho năm 2022 cũng được xác định và thống nhất trong phiên họp này.

Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng cả nước trong 3 năm qua 

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: “Trong giai đoạn mới của VEPG, trọng trách của Nhóm công tác kỹ thuật về Năng lượng tái tạo sẽ lớn hơn với mục tiêu đưa ra các khuyến nghị, các đề xuất giải pháp cụ thể để hỗ trợ Bộ Công Thương cũng như Chính phủ Việt Nam duy trì động lực phát triển cho thị trường năng lượng tái tạo nhằm hướng tới mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững, hiện thực hóa tuyên bố tại Hội nghị COP26 về xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, dài hạn và ngoài việc huy động các nguồn lực trong nước, Việt Nam rất cần có sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.

Ông Sebastian Paust, Tham tán thứ nhất, trưởng ban hợp tác và phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng cả nước trong 3 năm qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang ở điểm khởi đầu cho những cơ hội to lớn mà năng lượng tái tạo có thể mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, cho thị trường việc làm cũng như cho sự phát triển về xã hội. 

Trong năm 2022, chúng ta cần khẩn trương bắt đầu các nhiệm vụ mới của VEPG thông qua việc thống nhất các chủ đề ưu tiên, thành lập các nhóm chuyên gia đặc trách với các đầu mối và thành viên làm việc tích cực, hiệu quả, cùng phát triển và đưa ra khuyến nghị chính sách cho chính phủ. Đối với Nhóm công tác kỹ thuật về Năng lượng tái tạo, chúng tôi đã xác định được hai chủ đề trọng tâm là điện gió ngoài khơi và thị trường điện sinh khối”.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin