Bản tin môi trường số 16/2022
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, những tháng đầu năm 2022, tình trạng mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trải dài trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía Bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên cả nước đã tác động lớn đến hoạt động PCTT.
Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hội nghị sẽ nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thiên tai, kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới một cách cụ thể, sát thực và hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, môi trường sống, ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Hội nghị sẽ dịp để thảo luận các nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác PCTT năm 2022 nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác PCTT là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường
Trung tâm Truyền thông TN&MT, Đài Truyền hình Việt Nam mới đây đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường cho các Bộ, ban, ngành, địa phương khu vực miền Bắc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT Cao Minh Tuấn cho biết, Bộ TN&MT xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn tới các cơ quan, tổ chức, người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Cao Minh Tuấn nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu, lộ trình quản lý đề ra, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường có vai trò rất quan trọng. Đây chính là giải pháp hữu hiệu để thông tin đến cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân, toàn xã hội.
Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường cho các Bộ, ban, ngành, địa phương khu vực miền Bắc
Hội nghị đã ghi nhận ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi của đại diện các tỉnh, thành liên quan đến chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo vệ môi trường tại một số địa phương khác; tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 trên cơ sở thực tiễn phát sinh…
Cụ thể, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La Lê Thị Thu Hằng chia sẻ, những năm qua, tỉnh Sơn La luôn nỗ lực gắn nội dung bảo vệ môi trường vào trung tâm các quyết định về phát triển trên địa bàn, không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần, đổi mới công tác quản lý môi trường, chuyển từ bị động giải quyết, khắc phục sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm…
Tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050
Mới đây, Bộ TN&MT phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhấn mạnh, là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn tích cực, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã trình Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hàng năm, cũng như đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện.
Hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050
Tại hội thảo, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đã trình bày khái quát nội dung của dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.
Dự thảo nêu rõ, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Trong buổi làm việc, các đại biểu đã nghe ý kiến góp ý, khuyến nghị cho dự thảo Chiến lược từ đại diện các Đại sứ quán, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp, Tổ chức Y tế thế giới, Ngân hàng Thế giới, GIZ, Bộ Công Thương…
Thanh Tâm