Bản tin môi trường số 11/2021
Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và đối tác của 3 nước Ecuador, Cộng hòa Liên bang Đức, Ghana đồng chủ trì được khai mạc theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Thụy Sỹ.
AViệt Nam tiếp tục khẳng định những cam kết trong giải quyết ô nhiễm nhựa
Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương được tổ chức với mục tiêu giữ cho chủ đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương được đẩy lên cao trên chương trình nghị sự, xây dựng động lực và ý chí chính trị để thúc đẩy một chiến lược toàn cầu chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm cho biết, ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Thực tế đó đòi hỏi thế giới phải chung tay khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn.
Với tinh thần “Việt Nam – thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc” và tiếp tục khẳng định những cam kết chính trị với cộng đồng quốc tế trong giải quyết ô nhiễm nhựa, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia quá trình xây dựng và đã có những đóng góp bước đầu đối với việc hình thành một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Đồng thời ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng về một thỏa thuận về ô nhiễm nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Việt Nam được đánh giá cao trong quản lý tài nguyên và thích ứng biến đổi khí hậu
Tại buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam đã khẳng định những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực môi trường, đồng thời cam kết sẽ cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu về khí hậu trong tương lai.
Công tác quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam được đánh giá cao
Hai bên cùng nhận định, Australia và Việt Nam có những điểm tương đồng về khả năng chịu tác động của biến đổi khí hậu và những thách thức chung trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Cả hai nước đều tập trung vào các giải pháp công nghệ để giảm phát thải; tìm cách cân bằng tham vọng khí hậu với các ngành công nghiệp dựa trên nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng; dần chuyển đổi các lĩnh vực năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo...
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn Australia tiếp tục hợp tác gắn bó hơn nữa với Bộ để tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm trong các lĩnh vực về phát triển năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý khai thác khoáng sản, địa chất, bảo vệ môi trường.
Chính phủ yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Mới đây, Thủ tướng yêu cầu, các địa phương có phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng phương tiện, thiết bị bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Chủ động các phương án ứng phó với thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của
Hiện đang là thời kỳ cao điểm về bão, lũ. Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 7 - 9 cơn bão, trong đó 3 - 4 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 9, tháng 10; mưa lớn cực đoan tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ vào tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12.
Để chủ động ứng phó thiên tai nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, bão và mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát, cập nhật bổ sung các phương án ứng phó phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.
Loại bỏ carbon đen từ hoạt động đốt rơm rạ, chất thải nông nghiệp
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hoạt động đốt rơm rạ trong nông nghiệp đã tạo ra nguồn carbon đen có độc tính cao, gây suy thoái đất nghiêm trọng và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Carbon đen là một thành phần của bụi mịn PM2.5, một chất ô nhiễm cực nhỏ dễ dàng xâm nhập sâu vào phổi và máu của con người. PM2.5 làm tăng nguy cơ tử vong do mắc các bệnh tim, phổi, đột quỵ và một số bệnh ung thư, khiến hàng triệu người chết sớm mỗi năm. Trẻ em hít phải bụi mịn PM2.5 còn gây ra các vấn đề về tâm lý và hành vi, trong khi người lớn tuổi có khả năng cao mắc các bệnh liên quan đến trí não như Alzheimer, Parkinson và sa sút trí tuệ.
Hoạt động đốt đồng, đốt rơm rạ là tác nhân chính tạo ra carbon đen
Theo các báo cáo nghiên cứu sâu, việc đốt đồng không hề có tác dụng kích thích tăng trưởng mà ngược lại nó còn làm giảm khả năng giữ nước và độ màu mỡ của đất từ 25 - 30%. Do đó, trong các mùa vụ kế tiếp, người nông dân cần phải tăng lượng phân bón và hệ thống tưới tiêu để bù đắp dưỡng chất cho đất. Ngoài ra carbon đen cũng có thể thay đổi các mô hình thời tiết như mưa, đặc biệt là gió mùa châu Á, làm gián đoạn các hiện tượng thời tiết cần thiết để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã phối hợp với các Chính phủ để thúc đẩy các giải pháp thay thế vấn nạn đốt đồng gây ô nhiễm không khí.
Kim Bảo