|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 3: Sớm gỡ vướng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành dăm gỗ

Cần tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành dăm gỗ.

Bất cập chính sách gây khó cho doanh nghiệp

Theo các doanh nghiệp ngành dăm gỗ, việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp như hiện nay không những làm ách tắc các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tạo ra tâm lý lo sợ trong cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các yêu cầu chi tiết của cơ quan thuế VAT về việc xác minh nguồn gốc gỗ nguyên liệu hiện đang không nhất quán với các quy định có liên quan theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bài 3: Cần tháo chính sách, gỡ vướng hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành dăm gỗ

Doanh nghiệp ngành gỗ kêu cứu vì những bất hợp lý trong thực thi hoàn thuế VAT

Cụ thể: Điều 20 của Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 16/11/2018 về hồ sơ nguồn gốc lâm sản quy định các doanh nghiệp tham gia mua bán, vận chuyển gỗ rừng trồng trong nước cần có “Bảng chính bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập và bản sao hồ sơ nguồn gốc lâm sản do chủ lâm sản bán”.

Tuy nhiên, do coi các mặt hàng gỗ có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng là các mặt hàng rủi ro về thuế theo các văn bản của Tổng cục Thuế quy định, dẫn tới chi cục thuế các địa phương kết hợp với chính quyền địa bàn của chủ rừng đi xác minh “Diện tích rừng trồng là bao nhiêu, có hợp pháp không, có tranh chấp không; Người ký hợp đồng mua bán có đủ hành vi năng lực không; Có đủ năng lực cung cấp hàng không; Gỗ có đủ tuổi để khai thác không?”.

Ngoài ra, khi các doanh nghiệp xuất khẩu nộp hồ sơ xin hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế tại nhiều địa phương trả lại hồ sơ và yêu cầu doanh nghiệp phải xác nhận nguồn gốc gỗ nguyên liệu đầu vào trong các mặt hàng xuất khẩu.

Cụ thể, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan khác đang thực hiện việc xác minh nguồn gốc nguyên liệu tới tận chủ rừng, bao gồm việc yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cung cấp sổ đỏ của chủ rừng và cần bên thứ ba là cơ quan kiểm lâm địa bàn hoặc UBND xác nhận hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Điều này cho thấy sự không nhất quán giữa Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và các quy định của Tổng cục Thuế về xác minh nguồn gốc lâm sản, bao gồm hồ sơ nguồn gốc lâm sản.

Bên cạnh đó, thực tế chuỗi cung gỗ rừng trồng hiện nay cho thấy hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng gỗ rừng trồng, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu ván bóc/ván ép, doanh nghiệp dăm và viên nén phải thu mua gỗ nguyên liệu đầu vào từ nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm hàng chục nghìn hộ tư thương, các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ… và từ nhiều địa phương khác nhau chứ không phải chỉ trong phạm vi của một tỉnh nào đó.

Việc xác minh nguồn gốc gỗ theo các quy định của Tổng cục Thuế mất rất nhiều thời gian. Trong nhiều trường hợp với chuỗi cung có nhiều khâu trung gian, việc xác minh chi tiết tới từng đơn vị chủ rừng là điều không thể thực hiện.

Các quy định không sát với thực trạng của chuỗi cung hiện tại có thể tạo ra rủi ro cho cả chuỗi cung khi một số doanh nghiệp bắt buộc phải tìm cách hợp pháp hóa nguồn gỗ nguyên liệu của mình thông qua việc lách luật.

“Nếu không được hoàn thuế VAT, vậy số tiền thuế VAT của doanh nghiệp xuất khẩu đã phải trả hộ sẽ giải quyết ra sao? Doanh nghiệp đi đường nào? Đi đường chính thì không được hoàn thuế VAT. Đi đường tắt thì nguy cơ chuyển vào trong “trại giam”, đại diện một doanh nghiệp ngành dăm gỗ đặt vấn đề.

Cần sớm tháo gỡ cho doanh nghiệp ngành dăm gỗ

Gỗ rừng trồng trong nước hiện đã trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng nhất cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn cung này là nền tảng đối với sự phát triển và lớn mạnh của ngành gỗ, góp phần đem lại nguồn thu trên 14 tỷ USD mỗi năm thông qua các mặt hàng gỗ xuất khẩu của ngành.

Nguồn thu từ gỗ rừng trồng cũng là nguồn thu nhập quan trọng cho hơn 1 triệu hộ gia đình tham gia khâu trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào dân tộc sống tại địa bàn khó khăn.

Tuy nhiên từ đầu 2022 đến nay các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt các doanh nghiệp có sử dụng lượng cung gỗ rừng trồng lớn, như: doanh nghiệp dăm, ván bóc/ván ép, viên nén đang đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt trong khâu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và Vương quốc Anh đang suy giảm 40 - 50%, dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp đang bị suy giảm nghiêm trọng, ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn.

Theo ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số trên dưới 1.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế. Có doanh nghiệp có số tiền thuế chưa được hoàn lên tới 200 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp 40-50 tỷ đồng.

Theo quy định hiện nay, thời gian hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp là không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ từ doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp không được hoàn thuế từ tháng 4, tháng 5 năm 2022. Một số doanh nghiệp chưa được hoàn thuế từ tháng 1/2022.

Thời gian chậm hoàn thuế vượt xa so với quy định hiện hành. Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Để giải quyết tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT hiện nay, nhằm tránh nguy cơ đóng cửa đối với hàng trăm doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho rằng, cần có sự thống nhất giữa 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính để hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế. Đồng thời, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nhất giải quyết việc hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định nhưng hiện tại chưa được giải quyết.

Muốn phát triển đất nước thì phải có kinh tế. Kinh tế ách tắc thì phát triển đường nào.? Các chuyên gia cho rằng, quản lý nhà nước hiện nay vẫn theo kiểu cái gì quản lý được thì quản lý, không quản lý được thì cấm, dừng và tắc ở điểm đó chứ không có sự tháo gỡ.

Doanh nghiệp đã nộp thuế thì phải được hoàn thuế VAT, nhưng doanh nghiệp nộp mà không được hoàn thì doanh nghiệp phải làm sao? Đương nhiên, nếu cơ quan quản lý làm không tốt thì có những doanh nghiệp không tốt nằm trong chuỗi này. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng như vậy?

Cần phân biệt rõ ai làm đúng và ai làm sai. Doanh nghiệp không làm đúng thì pháp luật quản lý giám sát họ. Nếu các doanh nghiệp làm đúng thì cần tháo gỡ cho họ để họ kinh doanh tiếp. Có như vậy, mới phát triển được.

Ở đây, chúng ta không nói đến góc độ đúng hay sai mà ở góc độ tháo gỡ như thế nào để cho doanh nghiệp hoạt động tốt. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách quản lý đúng, chặt để doanh nghiệp thực hiện.

Nguyễn Hạnh
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết