|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Áp thuế 5% với phân bón, người nông dân được hưởng lợi

Theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được - Trưởng ban Chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM, nếu đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5%, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, qua đó sẽ giảm giá thành, người nông dân hưởng lợi.

Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10-2024, trong đó, Luật số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) đang được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm. Bởi lẽ, sau nhiều năm áp dụng Luật Thuế 71 đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Việc đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế GTGT không những không kéo giá phân bón trong nước giảm, mà ngược lại, còn gây nên một số tác động tiêu cực, khiến Nhà nước thất thu, doanh nghiệp chịu thiệt hại, nông dân chịu thiệt hại “kép” với phân bón giả và phân bón giá thành cao.

Để có cái nhìn thực tế hơn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với chuyên gia về thuế, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, Trưởng ban Chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM.

PV: Luật Thuế 71 quy định phân bón không chịu thuế GTGT. Quy định này ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp và người nông dân, thưa ông?

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được
Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được

Ông Nguyễn Văn Được: Tôi cho rằng, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi lẽ, khi thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá bán sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại “kép” cho nông dân với phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.

Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lại có lợi thế không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón và cũng không phải chịu thuế GTGT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.

Như vậy, chính sách thuế vô tình tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón. Ngoài ra, quy định này có thể kéo giá phân bón cao lên tạo ra sự hưởng lợi bất cân bằng không cần thiết cho nhà sản xuất.

Ví dụ, giá bán sản phẩm phân bón của hai doanh nghiệp (doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu) chưa bao gồm GTGT là 100 đồng (đ), giá trị đầu vào là 80đ, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20đ. Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8đ tiền thuế GTGT không được khấu trừ, giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8đ để bù đắp chi phí thuế. Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng là 108đ khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi trả giá cao hơn.

Với mức giá 108đ, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần mức giá 100đ. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108đ, khi đó người tiêu dùng có thể phải trả thêm 8đ thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế.

Ngoài ra, do lợi thế có được từ chính sách thuế nên nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phân bón có điều kiện cạnh tranh về giá, chưa nói đến chất lượng và hậu mãi. Từ đó có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, thậm chí có thể tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng dẫn đến độc quyền trong dài hạn khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiệt quệ, thua lỗ, thậm chí phá sản…

Nông dân bón phân cho lúa

Nông dân bón phân cho lúa

PV: Theo dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã trình Quốc hội, Bộ Tài chính đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%, quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Được: Tôi cho rằng, việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% có vẻ khả thi hơn. Bởi vì, nếu tính thuế GTGT 5% với phân bón thì các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, qua đó sẽ giảm giá thành, người nông dân hưởng lợi.

Mặt khác, Dự án Luật Thuế GTGT cũng cho phép hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp “chỉ” sản xuất hàng hóa chịu thuế GTGT 5%, điều này giúp cho phương án này trở nên khả thi và phù hợp với thực tiễn hơn.

Với dữ liệu nêu ở ví dụ trên, các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước phải trả thuế GTGT đầu vào là 8đ và đầu ra với thuế xuất 5% tức là thuế GTGT đầu ra 5đ.

Do chính sách được hoàn thuế đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa 5% nên 8đ được khấu trừ với đầu ra 5đ và được hoàn lại 3đ. Khi đó, giá bán của sản phẩm phân bón là 105đ và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn bảo đảm 20đ.

Chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu không bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách này vì khi nhập khẩu chịu thuế GTGT 5% và khi bán ra cũng chịu thuế GTGT 5% về cơ bản giá bán vẫn là 105đ, lợi nhuận là 20đ.

Như vậy, phương án này vừa giúp cho giá của phân bón hạ thấp hơn (105đ so với 108đ nêu trên), vừa hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tạo sự công bằng bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đồng thời có cơ sở mở rộng nguồn thu theo lộ trình và định hướng chung.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón nói chung và đặc biệt hỗ trợ người nông dân. Nên xem xét đến phương án chuyển đối tượng phân bón sang nhóm hàng hóa “không phải tính, nộp thuế”, đồng thời cho hoàn thuế khi sản xuất kinh doanh hàng hóa thuộc nhóm “không phải tính, nộp thuế” tương tự như chính sách “hoàn thuế đối với sản xuất hàng hóa chịu thuế GTGT 5%”.

Trong trường hợp này, với dữ liệu như ví dụ nêu trên, do phân bón thuộc đối tượng “không phải tính, nộp thuế” GTGT đầu ra và đầu vào được khấu trừ và được hoàn thuế dẫn đến giá bán phân bón được giữ nguyên mức giá 100đ vì không phải cộng tiền thuế 8đ do số thuế này được khấu trừ và hoàn thuế.

Nhưng trong trường hợp này, ngân sách Nhà nước phải hoàn thuế 8đ cho nhà sản xuất trong nước, hay nói cách khác Nhà nước đã hỗ trợ người nông dân 8đ để kéo giá phân bón giảm xuống thông qua chính sách thuế. Theo phương án này, ngân sách phải hoàn 8đ nhưng thực chất số thuế này đã được các doanh nghiệp ở khâu đầu vào tạm nộp.

Vì vậy, tôi cho rằng nên thực hiện phương án này. Chính sách này bảo đảm không làm tăng giá phân bón, từ đó hỗ trợ người nông dân và nhà sản xuất, đồng thời thiết lập lại cơ chế cân bằng của các loại hình doanh nghiệp, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng và phù hợp với bản chất kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo quy định hiện hành:

- Hàng hóa dịch vụ chịu thuế xuất 0% là hàng hóa xuất khẩu và bán theo khu thuế quan, đầu ra là 0%, đầu vào được khấu trừ và được hoàn thuế.

- Hàng hóa dịch vụ “không phải tính, nộp thuế” là hàng hóa đầu ra không tính thuế, đầu vào được khấu trừ thuế nhưng không được hoàn thuế.

Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được

Mạnh Tưởng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Chưa có thông tin