Ukraine ngừng trung chuyển khí đốt, Nga thực sự có được lợi?
Chính phủ Ukraine thông báo nước này không có kế hoạch gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt tự nhiên với Nga sau năm 2024.
Ukraine không gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt với Nga
Không còn ý tưởng nào liên quan đến triển vọng vận hành hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine sau năm 2024, khi hợp đồng 5 năm hiện tại với Nga kết thúc và sẽ không được gia hạn. Về mặt lý thuyết, điều này không có nghĩa là quá trình trung chuyển khí đốt sang châu Âu sẽ dừng hoàn toàn: khí đốt có thể được bơm mà không cần hợp đồng và theo các yêu cầu đã được hai bên thống nhất với sự tham gia của một số quốc gia trung gian châu Âu. Tuy nhiên, trước tình hình chính trị - quân sự đang nổi lên việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ khí đốt giữa Kiev và Moscow là điều sẽ xảy ra.
Theo công ty dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ, hiện 48% lượng khí đốt qua đường ống của Nga cho nhu cầu châu Âu đi qua Ukraine, 52% qua Thổ Nhĩ Kỳ. Và nếu tuyến đường Ukraine bị dừng hoàn toàn, toàn bộ nguyên liệu thô của tập đoàn Gazprom sẽ đi qua hệ thống trung chuyển khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Ukraine thông báo nước này không có kế hoạch gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt tự nhiên với Nga sau năm 2024. Ảnh: AP |
Giới chuyên gia nhận định, việc ngừng hoạt động hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ sắp tới của hệ thống năng lượng và toàn bộ nền kinh tế Ukraine. Nếu không có khí đốt của Nga, hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine sẽ không thể hoạt động. Khí đốt được sản xuất tại Ukraine thậm chí không đủ để duy trì áp suất cần thiết trong đường ống.
Bên cạnh đó, việc chuyển dòng quá cảnh khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáp ứng lợi ích lâu dài của Nga. Tuyến đường quá cảnh qua Ukraine và nhánh đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) ở châu Âu hiện là hai tuyến đường ống duy nhất còn lại đưa khí đốt của Nga đến Trung và Tây Âu.
Chính phủ Ukraine cho biết, nước này không có kế hoạch gia hạn hợp đồng trung chuyển khí đốt tự nhiên với Nga sau năm 2024. Đồng thời, để ngỏ khả năng đàm phán với các nước thuộc Liên minh châu Âu về việc sử dụng hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này, sau khi kết thúc hợp đồng với Nga vào cuối năm nay.
Hồi tháng 12/2019, công ty năng lượng nhà nước Naftogaz của Ukraine và tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận vận chuyển khí đốt. Theo hợp đồng này, Ukraine sẽ vận chuyển 40 tỷ m3 khí đốt của Nga mỗi năm trong giai đoạn 2021-2024. Năm ngoái, lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine đã giảm 28,4%, xuống còn 14,646 triệu m3.
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm năng lượng mới
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hồi cuối tháng 11/2023 cho biết, Moscow và Ankara chuẩn bị đạt được thỏa thuận về việc thành lập một trung tâm khí đốt tự nhiên ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai gần nhất.
Ông Novak cho hay, tập đoàn Gazprom của Nga và Botas của Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác chặt chẽ và đang thảo luận về lộ trình của dự án.
“Tôi chắc chắn rằng các thỏa thuận về việc triển khai thực tế dự án này sẽ đạt được trong tương lai gần”, ông Novak nói.
Trước đó, năm 2022, Nga đã đề xuất thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế doanh số bán hàng bị mất sang châu Âu, đáp ứng mong muốn từ lâu của Ankara là hoạt động như một cơ quan trao đổi cho các quốc gia thiếu năng lượng. Kế hoạch này được đưa ra ngay sau khi các vụ nổ làm hư hại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc nối Nga với Đức qua Biển Baltic.
Trong khi đó, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đặt mục tiêu trở thành một trung tâm năng lượng quan trọng trong khu vực. Tăng cường khả năng lưu trữ khí đốt cũng hỗ trợ chiến lược trung tâm năng lượng.
Đồng thời, năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận xuất khẩu khí đốt tự nhiên với một số nước châu Âu như Bulgaria, Hungary, Romania và Moldova. Mỗi thỏa thuận đều nêu rõ số lượng và thời hạn xuất khẩu khí đốt cụ thể, nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh năng lượng châu Âu.
Những thỏa thuận này không chỉ nâng cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong an ninh năng lượng châu Âu mà còn phản ánh vị trí địa lý chiến lược của nước này như một cầu nối giữa các khu vực giàu năng lượng và châu Âu.