Bất kỳ điều gì cũng khởi nguồn từ suy nghĩ. Vậy nên, tôi xin bắt đầu câu chuyện của mình bằng bộ phim “The Secret – The Law of Attraction” (Bí mật Luật Hấp dẫn) của Rhonda Byrne.

Từ khi con trai khuyên, ba nên xem bộ phim này, cho đến nay, tôi đã xem đi xem lại 145 lần. Tôi nhớ chắc chắn là vì, mỗi lần xem, tôi đều đánh một vạch, như kiểu ghi tỷ số bóng bàn trên bảng, 5 vạch một ô.

Như vậy, tôi đã mất hơn 250 tiếng đồng hồ. Nhưng không phải ngồi triền miên mà khi nào đó, muốn suy nghĩ về chuyện nào đó mà gặp vướng mắc, lại mở ra xem. Mỗi lần, lại ngộ ra một điều. (Phim có trên Google).

Thực ra, Luật Hấp dẫn đã có từ lâu, đã in và phát hành sách, nhưng Rhonda khai thác sâu khía cạnh: 

Nói nghe dễ nhỉ? Dễ hay không xin đọc đoạn trích dưới đây:

“Chúng ta thu hút về phía chúng ta mọi thứ, mọi con người và mọi hoàn cảnh có cùng tần số dao động với chúng ta. Vũ trụ là năng lượng thiết yếu, và tất cả các năng lượng đều dao động ở những tần số nhất định. Ở góc độ con người, mỗi cá nhân đều dao động ở một tần số sóng riêng, tồn tại như một trường năng lượng nhỏ bên trong một trường năng lượng lớn hơn – vũ trụ.

Tần số sóng của mỗi người được tạo nên bởi suy nghĩ và cảm xúc của chính họ, và một cách tự nhiên nó hấp dẫn mọi thứ cùng tần sóng đến. Hãy tưởng tượng bạn chính là một trạm thu phát sóng truyền đi những tần số của ý nghĩ vào vũ trụ, vượt xa cả không gian và thời gian.

Chẳng hạn khi bạn đang suy nghĩ tiêu cực, thì những đau khổ và bệnh tật sẽ đến với bạn như điều tất yếu của luật hấp dẫn. Bạn thay đổi tần số sóng bằng những suy nghĩ tích cực, thì nhiều niềm vui và hạnh phúc sẽ đến với bạn. Khá dễ hiểu phải không bạn?”

Dân gian có câu “Ghét của nào trời trao của ấy” có vẻ như từ lâu họ đã biết về Luật Hấp dẫn.

Quay trở lại câu chuyện thời ta đang sống, tạm gọi là “Thời Covid”.

Thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh...là những điều bất khả kháng. Chuyện gì xẩy ra cũng đã xẩy ra rồi. Nếu chúng ta cứ lo lắng, than vãn... thì ngoài kia, Covid vẫn tồn tại. Con virus quái ác đó chưa bao giờ chết vì lời than vãn. Ngược lại, nếu thế, cuộc sống sẽ bị chìm đắm trong u tối. Ít ra cũng chán nản không muốn làm gì.

Thay vì như thế, mỗi người hãy cơ hội ngay trong thảm họa. Tức là tìm những điều tích cực trong câu chuyện tiêu cực, như phần trên đã nói, lúc đó, chúng ta phát ra tần số và vũ trụ đáp lại cùng tần số, tiếp cho ta năng lượng tích cực.

Suy nghĩ tích cực sẽ có hành động tích cực.

Cái được trong cái mất, theo thiển ý của người viết, là chúng ta có cơ hội sống chậm và nghĩ sâu.

Vì sao? Vì lâu nay, chúng ta và những người xung quanh bị cuốn vào nhịp sống hối hả, tất bật với công việc mưu sinh, với nhưng thú vui cá nhân, những cám dỗ phù phiếm... mà nhiều khi quên đi, hoặc ít nghĩ đến, cái chân giá trị của cuộc sống.

Cuộc sống hiện đại, nói cho cùng, hầu như nhiều quan hệ cũng dựa trên vật chất, lấy vật chất làm thước đo (nói hầu như tất nhiên không phải là tất cả). Ngay sự thành đạt của mỗi người đều nhìn vào giàu- nghèo.

Ngày xưa, con gái nhìn con trai bằng góc nhìn “thông minh, nhiều tài vặt”, thì sau này, thay bằng người ấy là thiếu gia hay đại gia, đi xe sang, mặc đồ hiệu...  Thế mới có chuyện một giải thưởng về trí tuệ tầm quốc tế giá trị vật chất cũng chỉ bằng một phần của cuộc thi hài.

Trong cuộc sống, hầu hết dựa trên nguyên tắc “Có đi có lại”, tình cảm, tình người có, nhưng nó bị giấu kỹ hoặc quên đâu đó.

Đứng trước đại dịch, chúng ta mới giật mình, mọi người đều bình đẳng trước...Covid. Thật sự, không có gì quan trọng hơn cuộc sống. Thật sự, chúng ta chỉ có thể tồn tại khi cộng đồng tồn tại. Con người vì thế xích lại gần nhau hơ

n.Nếu như, bình thường, các bác sĩ, điều dưỡng...lăn tăn cả trong việc bố trí ca trực, giờ trực, thì bây giờ, họ lao vào cuộc chiến bất chấp hiểm nguy. Phụ nữ sẵn sàng cắt đi mái tóc mà mình dày công nuôi dưỡng, chăm sóc chỉ để công việc thuận lợi hơn.

Người con gái bất chấp việc đeo khẩu trang hằn lằn trên sương mặt mà mỗi ngày họ dày công dưỡng da, tô điểm.

Đàn ông sức dài vai rộng nên tự cho mình là người chăm sóc, che chở, gánh việc  khó cho đồng nghiệp nữ của mình, giao lại việc nhà cho vợ, cho mẹ mà đáng ra họ là bờ vai để người thân tựa vào.

Họ vì điều gì? Tiền tài ư? Danh vọng ư? Không phải. Là tình người.

Người viết bài này đang sống tại TP Đà Nẵng, đang chứng kiến thời khắc khó khăn nhất khiến cả nước lo lắng. Nhưng như lời một ca khúc viết về Đà Nẵng:

Trong khó khăn mới thấy hết tình người. Tình người Đà Nẵng, tình người cả nước với Đà Nẵng.

Nhiều câu chuyện mà tôi không có điều kiện kể hết ra đây, chỉ kể chuyện mà tôi hiểu rõ và chứng kiến từ đầu.

Đó là về người em chơi thân như bạn. Ngay khi xẩy ra dịch bệnh, vợ chồng Phạm Thanh đã bỏ ra 3 tỷ đồng, đồng thời kêu gọi bạn bè đóng góp đến nay cũng đã 2 tỷ đồng vào quỹ “Vì một thành phố đáng sống” do anh em lập ra.  Tiền rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tình.

Suốt ngày, từ sáng đến khuya lo chuyện mua trang thiết bị thiết yếu, hàng ngàn suất cơm đưa vào các bệnh viện và khu cách ly. Đến nỗi vợ dỗi, bảo rằng, ra khách sạn mà ở kẻo lỡ mang bệnh về nhà.

Có một đêm, nó ngồi uống cà phê một mình và ước có một người bên cạnh đề trò chuyện, tôi đã trả lời trên Facebook của nó: “Tao chưa đến ngồi với mày được, vì thực tình, tao thấy mày ngày nào cũng vào nơi nguy hiểm quá đi”. Nó thả cái mặt cười haha. Nhưng đó là lời nói thực.

Tôi cũng là một đầu mối để bạn bè gửi gắm nên biết, không phải giàu có gì đâu, có người gửi hàng triệu nhưng cũng có người gửi một trăm, hai trăm ngàn...Tất cả đều quý như nhau. Đó là tình người, nhưng đó cũng là trách nhiệm công dân. Không có trách nhiệm, không có những người tình nguyện làm những công việc khó khăn, nguy hiểm mà vẫn tận tụy đến nhường ấy.

Trách nhiệm công dân còn thể hiện ở chỗ, khi chưa có lệnh cách ly người dân đã tự cách ly các nơi có nguy cơ, khi chưa có lệnh giãn cách, người dân đã tự giãn cách.

Không cần phát cho mỗi nhà một phiếu đi chợ, mỗi ngày chỉ một người đi. Một người là nhiều nhất, thậm chí vài ngày, một tuần mới đi một lần. Vì đã có chuẩn bị.

Vào app đăng ký hoặc gọi điện, các siêu thị ở Đà Nẵng đều mang hàng đến tận nhà, từ lâu rồi, không cần phải có dịch.

Chưa bao giờ người dân nhường nhin, tự giác

Mọi người tự giác làm tốt phần việc đáng làm của mình để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người, đó là trách nhiệm công dân.

Phải nói, chưa bao giờ thấy lòng tin của người dân vào chính quyền như lúc này.

Ai cũng biết, trên mạng xã hội có rất nhiều người thiếu trách nhiệm, không chỉ tung tin, đồn nhảm, cạnh khóe, kỳ thị... nhưng đã đến lúc họ cảm thấy thất bại vì người dân không tin. Nhất thiết phải chờ thông tin chính thức từ chính quyền.

Và mỗi khi có thông tin chính thức thì nhất nhất chấp hành.

Để có được điều đó, phải nói, là do đất nước ta đã làm rất tốt công tác chống dịch. Ngay từ đầu đã minh bạch, công khai, có sách lược rõ ràng, bước đi cụ thể và duy trì nó cho đến nay. Đã làm tăng vị thế đất nước trong lòng bạn bè trên thế giới.

Thật ra trước đó, nói không ngoa, là đã có “hội chứng ghét lãnh đạo”, nhưng trong đại dịch, nhìn thấy hình ảnh của họ làm việc ngày đêm, sâu sát đến tận cơ sở. Bớt các cuộc họp hành hình thức chỉ đi vào hiệu quả của công việc. Dân tin. Đó mới là một chính quyền vì dân.

Qua đât, người dân cũng nhận thấy năng lực thật sự của Chính phủ, sức chịu đựng của nền kinh tế, từng thành phần của nền kinh tế đến mức độ nào.

Những đố kỵ, bon chen, tranh giành quyền lực, địa vị, những mắc mớ, thậm chí là thù ghét gần như, một mức độ nào đó đã được hóa giải. Vì sao? Vì họ nhận ra, trên đời không gì quý hơn cuộc sống và tình người.

Những hành động, lời nói trong lúc này đều bộc lộ bản chất thật của con người. Mọi người không cần nghĩ lâu, nhận ra họ là ai. Niềm tin đó cũng có từ việc phân biệt thật giả, trắng đen.

Trên mạng xã hội, đây là cơ hội để hủy kết bạn với những người có năng lượng xấu. Vì như đã nói ở phần đầu, năng lượng xấu không mang lại ích lợi gì cho ta.

Nguyễn Hoàng Minh, trong mắt tôi là người thành đạt. Chưa đến tuổi 40 đã có nhà cửa khang trang, xe cộ đàng hoàng, vợ đẹp con ngoan. Minh học ở nước ngoài nhưng về nước thì bỏ nghề lập trình rồi ra làm ngoài.

Có lần Minh kể: “Hôm sinh nhật con gái, em hỏi, con thích quà gì để ba mua”. Con gái em rơm rớm nước mắt: “Con thích ba ở nhà với con một ngày được không?”. Con bé làm em giật mình, hóa ra mình bị cuốn vào việc làm ăn, giao đãi mà quên giành thời gian cho con cái. Giệt mình rồi nhưng sau đó lại triền miên với công việc. Lại như cũ”.

Hôm rồi Minh điện thoại hỏi thăm, xong kể: “Hai đứa con em bảo, thích thật, ngày nào cũng có ba mẹ ở nhà”.

Thật ra, câu chuyện của Minh không phải là cá biệt. Chúng ta hầu như thế cả. Nhưng dịp ở nhà chẳng đặng đừng này, nhiều người đã có thời gian để soát xét lại mình, để làm các việc mà lâu nay mình chưa làm.

Trước khi viết bài này, tôi đã đăng một status ngắn: “Chân thành hỏi mọi người một câu: Trong cái mất của dịch bệnh Covid, nếu suy nghĩ tích cực, chúng ta thấy có cái được nào không? (Trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là cuộc sống). Comment ý cũng được”.

Đúng thế, thất bại lớn nhất của đời người là không giữ được tổ ấm gia đình, không làm cho tổ ấm đó ngày một ấm hơn. Người ta từng ví, gia đình như hang ổ cuối cùng của con thú, khi gặp hiểm nguy thì ẩn náu trong đó mới thấy an yên nhất.

Ngoài những điều trên, tôi thấy thêm một khía cạnh khác: Đừng sống theo trào lưu (kiểu làm ra là mua sắm, tiêu pha rồi làm tiếp) mà phải có một phận dự trữ phòng thân.  Và tâm đắc với suy nghĩ: Đây là thời gian soát xét lại cách sống của mình và hoạch định cho tương lai.

Như đã nói, khó khăn thì nó đương nhiên rồi, vậy thì, chúng ta hãy nghĩ về điều tích cực để truyền năng lượng tích cực cho nhau. Được thế thì không điều gì là không thể.

15/06/2021, 14:01
Bạn đọc phản hồi (0)